DetailController

Trồng trọt

Huyện Cao Phong: Tích cực triển khai chính sách hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh Cây cam

13/05/2024 16:30
Để phát triển bền vững vùng cây có múi, đặc biệt là Cây cam Cao Phong, huyện Cao Phong đã và đang triển khai "Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025”.
Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình chú trọng cải tạo đất, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn

Cao Phong là thủ phủ vùng cam của tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2010 - 2016, Cây cam đã giúp người dân huyện Cao Phong đổi đời, thu nhập cả tỷ đồng/ha, nhiều hộ là tỷ phủ từ trồng cam. Tuy nhiên những năm gần đây, do sự phát triển nóng của diện tích Cam, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, đặc biệt đến chu kỳ cần phải cải tạo để tạo sự phát triển ổn định mới.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đã xây dựng Kế hoạch số 65/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, trồng mới 670/1.500 ha với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc Cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất. Trên cơ sở đề xuất của huyện Cao Phong và các địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết mức hỗ trợ thực hiện Đề án tái canh cây có múi giai đoạn 2021-2025. Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ cây giống cho diện tích trồng tái canh cây cam tại huyện Cao Phong đến năm 2025, mức hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống sạch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.

Theo ông Bùi Văn Hưng, Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 237/2023/NQ-HĐND, ngày 7/4/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2023 - 2025 và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 237/2023/NQ-HĐND, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đã rà soát tổng hợp diện tích tái canh cây cam trên địa bàn huyện năm 2024. Đến nay trên địa bàn có một đơn vị là Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình đăng ký diện tích trồng tái canh năm 2024.

Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Cao Phong, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra tại thực địa diện tích các hộ đăng ký hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh Cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong. Năm 2024, có 115 hộ trên địa bàn huyện Cao Phong đã đăng ký hỗ trợ giống để trồng trên tổng diện tích 42ha nằm ở các đội Bắc Phong, đội Tây Phong thuộc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình với hai loại giống Cam lòng vàng và Cam Canh. Hiện nay, người trồng Cam ở Cao Phong đã chú trọng cải tạo đất, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Khi cam hết tuổi khai thác, bước vào chu kỳ thoái hóa, nhiều hộ chủ động chuyển đổi diện tích sang trồng chuối, sau một thời gian lại bắt đầu chuyển diện tích này sang trồng Cây cam để thực hiện quy trình cải tạo đất.

Trồng cam đòi hỏi sự đầu tư cả về nguồn lực, làm chủ các quy trình từ chọn giống, cải tạo đất đến các công trình chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn mới có hiệu quả cao và bền vững. Việc tái canh cây cam là hết sức cần thiết, bởi theo chu kỳ Cây cam đến thời điểm thoái hóa, năng suất, chất lượng không đạt yêu cầu. Ở vùng đất Cao Phong, cho đến nay chưa có cây trồng thay thế được Cây cam và mang lại hiệu quả như Cây cam. Trong quá trình tái canh, cần phối hợp đồng bộ, triển khai nhanh, kịp thời để chính sách sớm đi vào phát huy hiệu quả./.