Trong đó nhiệm vụ trọng tâm gồm có: Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Luật GD QPAN ngày 19/6/2013; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GD QPAN trong tình hình mới; Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GD QPAN; văn bản hợp nhất số 39/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 của Văn phòng Quốc hội về Luật GD QPAN. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục và đào tạo, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên (HSSV) học tập, hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch. Quán triệt phương hướng nhiệm vụ năm học để triển khai thực hiện nhiệm vụ GD QPAN cho HSSV và bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, đảng viên trong từng đơn vị, nhà trường có hiệu quả. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, HSSV để tạo sự đoàn kết trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực sự là tấm gương cho HSSV noi theo. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Bộ GD&ĐT về GD QPAN. Rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang phục của giáo viên và học sinh đáp ứng yêu cầu dạy học theo Thông tư số 19/2022/TT-BGDĐT ngày 22/12/2022 của Bộ GD&ĐT về ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường công tác quản lý HSSV đảm bảo chặt chẽ; tổ chức hoạt động phù hợp, thiết thực với từng đối tượng, lứa tuổi. Không để xảy ra mất an toàn về con người và vũ khí trang bị. Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng trong dạy học môn GD QPAN.
Trong công tác quân sự, quốc phòng, an ninh: Thực hiện nghiêm Luật, Nghị định, Thông tư về công tác quân sự, quốc phòng, Quy chế của Ban Chỉ huy quân sự về công tác quốc phòng, quân sự, công tác an ninh tại cơ quan, đơn vị, trường học. Duy trì nghiêm các chế độ giao ban, sơ kết, tổng kết và báo cáo Ban chỉ huy quân sự đúng quy định. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch trong các tình huống, kế hoạch chiến đấu bảo vệ cơ quan, đơn vị, trường học, phương án cơ động sơ tán, các kế hoạch phòng chống khủng bố, phòng chống tội phạm, phòng cháy, chữa cháy… theo quy định. Cử cán bộ, giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng theo quy định của Hội đồng Giáo dục QPAN các cấp, xây dựng các kế hoạch quân sự, quốc phòng và triển khai các nhiệm vụ của lực lượng tự vệ theo hướng dẫn của Ban Chỉ huy quân sự huyện, thành phố.
Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/5/2014 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với việc nhân rộng mô hình "Nhà trường an toàn không có ma túy" trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Quy chế liên tịch giữa ngành GD&ĐT với Công an và các ngành. Gắn nội dung phong trào với nội dung các cuộc vận động tại địa phương; xây dựng nếp sống văn hoá trong các đơn vị, trường học. Đối với Trường Cao đẳng sư phạm cần có hình thức giáo dục ở mức cao hơn để thu hút sinh viên hăng hái tham gia vào các hoạt động trí tuệ, lành mạnh, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các tiêu cực ngoài xã hội.
Các đơn vị, trường học tích cực tham gia hoạt động trong các cụm an ninh liên hoàn, an ninh giáp ranh khu vực nơi đơn vị đóng trên địa bàn, xây dựng khối đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển giáo dục và đào tạo, kinh tế, xã hội, đặc biệt là liên quan đến công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Tiếp tục củng cố các tổ chức đội cờ đỏ, sao đỏ, thanh niên xung kích, an ninh trong trường học; gắn trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên trong các chương trình hoạt động, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh trật tự. Thông qua phong trào lựa chọn các đơn vị, trường học thực hiện tốt công tác Bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn để nhân rộng trong toàn ngành và toàn xã hội.
Trong công tác xây dựng lực lượng bảo vệ cơ quan, đơn vị, trường học: Tiếp tục xây dựng lực lượng bảo vệ cơ quan, đơn vị, trường học đủ về số lượng và chất lượng, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rà soát lại trang bị, trang phục và các phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác bảo vệ theo Nghị định 73/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 06/2016/BCA-BGDĐT, kiên quyết không sử dụng và hợp đồng với những bảo vệ yếu kém về phẩm chất và năng lực, không đảm đương được nhiệm vụ, quản lý chặt chẽ đội ngũ bảo vệ cơ quan, thực hiện chế độ báo cáo ngày, tuần, tháng và đột xuất. Tham mưu lãnh đạo giải quyết các vụ việc xảy ra tại các đơn vị, trường học nhanh chóng, kịp thời.
Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an các cấp với lực lượng bảo vệ ở cơ quan, đơn vị, thường xuyên thông báo, trao đổi, nắm bắt tình hình có liên quan đến công tác an ninh, trật tự của cơ quan, đơn vị mình với cơ quan Công an các cấp để phối hợp giải quyết. Triển khai tập huấn công tác an ninh trường học, phòng cháy chữa cháy cho cán bộ quản lý, nhân viên bảo vệ các đơn vị, trường học./.