Thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong 8 tháng đầu năm, tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ. Hạ tầng kỹ thuật CNTT được đầu tư mới về thiết bị, nâng cấp về cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng cho phát triển các ứng dụng dùng chung, chuyên ngành và lưu trữ tập trung. Việt triển khai hệ thống phần miềm quản lý văn bản và điều hành trục văn bản quốc gia được triển khai đồng bộ. Trong 8 tháng năm 2020, theo dõi trên toàn hệ thống phần mềm có 527.679 văn bản đến và 137.300 văn bản đi được cập nhật, xử lý và trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước. Ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Tính tới 31/8/2020 có 233.118 thủ tục đã được tiếp nhận và xử lý, đang giải quyết 7.047 thủ tục và đã giải quyết 226.068 thủ tục. Tính đến 31/7/2020, Cổng dịch vụ công tỉnh đã thiết lập cung cấp 210/469 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tuy nhiên mới chỉ đạt 44,7% số lượng dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định 2932/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ khác như đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống phòng họp không giấy tờ đang được triển khai tích cực, cơ bản đảm bảo tiến độ và đạt được yêu cầu đề ra.
Theo số liệu đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, tỉnh Hòa Bình đứng thứ 34/63 tỉnh thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2018.
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ đã báo cáo làm rõ thêm tình hình triển khai Chính quyền điện tử tại đơn vị mình, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đó là: Hiện nay việc triển khai sử dụng các ứng dụng CNTT nền tảng phục vụ chỉ đạo, quản lý điều hành, tác nghiệp, phục vụ công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến còn ít; Cổng dịch vụ công của tỉnh chưa cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; kết nối liên thông một số phần mềm, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành Trung ương để phục vụ cho doanh nghiệp, người dân còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ của Chính phủ. Kinh phí đầu tư cho CNTT còn thấp….Trên cơ sở đó đề xuất một số nội dung trong công tác báo cáo, phối hợp giữa các sở, ngành thành viên BCĐ và các huyện, thành phố.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Chính quyền điện tử tỉnh yêu cầu thời gian tới các thành viên BCĐ cấp tỉnh, BCĐ cấp huyện, thành phố phải vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao. Cần thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tầm quan trọng của việc xây dựng chính quyền điện tử; trong đó đặc biệt đề cao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lấy đây là một trong những tiêu chí đánh giá xếp hạng thi đua của các địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các nội dung công việc được giao; nỗ lực cải thiện vị trí của tỉnh trong ứng dụng CNTT và vì mục tiêu phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.