DetailController

Tin từ các đơn vị

Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn

04/10/2022 00:00
Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ngày 22/9/2022, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Công văn số 2342-CV/HNDT triển khai đến các các huyện, thành phố.
Tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường

Theo đó, đề nghị Hội Nông dân các huyện, thành phố tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về nước sạch và vệ sinh nông thôn; thay đổi hành vi, thói quen; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cá nhân; hướng dẫn hội viên nông dân chủ động tích, trữ nước để sử dụng trong mùa khô, thời gian hạn hán, ngập lụt. Đa dạng loại hình truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung thành đợt cao điểm nhân dịp tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm.

 Chia sẻ thông tin liên quan đến lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lây nước sinh hoạt; công bố thông tin chất lượng nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nước đối với các nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Huy động tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hội viên nông dân và cộng đồng tích cực tham gia truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng nước sạch. Phối hợp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng quản lý và vận hành công trình; tăng cường năng lực cho lực lượng quản lý cơ sở trong công tác lập kế hoạch, quản lý, giám sát, đánh giá hoạt động cấp nước và vệ sinh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, ngập lụt, úng; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Về vệ sinh nông thôn, triển khai, nhân rộng phong trào cộng đồng không phóng uế bừa bãi, hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh của người dân, tăng tỷ lệ hộ gia đình xây dựngvà sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần đạt được mục tiêu “Một Việt Nam không còn phóng uế bừa bãi” vào năm 2025. Ứng dụng và phổ biến các giải pháp công nghệ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của người dân; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, quản lý sử dụng công trình vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh công cộng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiếp cận đồng bộ dịch vụ vệ sinh an toàn gắn với truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường.  Chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định; chú trọng quản lý, hướng dẫn thu gom, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp. Xác định khu vực ô nhiễm, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

Xây dựng lộ trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch và đồng bộ với kết cấu hạ tầng nông thôn. Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Thí điểm áp dụng các mô hình công nghệ thu gom và xử lý nước thải chi phí thấp, hạn chế hóa chất, sử dụng năng lượng tái tạo, ít phát sinh chất thải thứ cấp phù hợp với đặc điểm và quy mô khu dân cư nông thôn tập trung.

Tăng cường quản lý các hoạt động chăn nuôi, gắn với việc đảm bảo môi trường chăn nuôi theo quy định; hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích áp dụng các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo mùi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh từ cơ sở chăn nuôi không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường. Hộ chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi chịu trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng quy định. Điểm tập kết chất thải phải được bố trí hợp lý; không chăn thả động vật nuôi, gây mất vệ sinh nơi công cộng; khuyến khích hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường. Xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tạo sức răn đe.Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên các mô hình, dự án đầu tư xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và xử lý chất thải chăn nuôi.

Phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước, xả chất thải, nước thải không đúng quy định; huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng và người dân trong hoạt động cấp nước và vệ sinh, đặc biệt là công tác bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân phấn đấu đến năm 2030, 65% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Có 100% trường học, trạm y tế, hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 80% hộ gia đình nông thôn vùng đặc biệt khó khăn có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân. Phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Đến năm 2045, phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi./.