Ngay sau khi Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (sau đây gọi tắt là đề án 258) được triển khai, các Ban chỉ đạo đã được thành lập ở các cấp. Sau 05 năm, các BCĐ đã tổ chức nhiều phiên họp và kiểm tra thực hiện đề án tại 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số Bộ. Ở các địa phương, BCĐ hoạt động tương đối hiệu quả, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ giải pháp về củng cố, kiện toàn tổ chức, con người, tăng cường cơ sở vật chất, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác giám định tư pháp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở địa phương. Thể chế về giám định tư pháp đã cơ bản được hoàn thiện. Hệ thống giám định tư pháp từng bước được củng cố, cơ sở vật chất được bổ sung, hỗ trợ đầu tư. Công tác quản lý giám định tư pháp từng bước được đổi mới. Hoạt động giám định tư pháp chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó, hơn 90% là từ cơ quan điều tra trong CAND và QĐND, còn lại là trưng cầu giám định của các cấp toà án, cơ quan điều tra thuộc Viện KSNDTC. Trung bình từ năm 2011 đến nay, mỗi năm các tổ chức giám định trong toàn quốc thực hiện giám định hơn 150 nghìn vụ việc, chủ yếu về lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Hiện nay, tổng số giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực là 6.154 người, số người giám định theo vụ việc được công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng…Đội ngũ này có sự phát triển ngày càng nhanh về cả số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn. Ngoài ra còn được hưởng nhiều chính sách thu hút, ưu đãi.
Tại hội nghị, đại biểu đại diện các địa phương và bộ ngành đã tập trung thảo luận nhiều khó khăn, vướng mắc, đề xuất nhiều giải pháp và cơ chế, chính sách cho công tác giám định tư pháp trong thời gian tới. Các nội dung cụ thể như: việc củng cố, kiện toàn tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất; sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức thực hiện giám định trong việc trưng cầu, thực hiện giám định nhằm giải quyết các vụ án tham nhũng; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và cơ chế thông tin, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quán lý nhà nước về giám định tư pháp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan đến công tác giám định tư pháp. Đồng thời đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng Luật Giám định Tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, người tiến hành tố tụng, người giám định tư pháp; đẩy mạnh xã hội hoá, tạo sự quan tâm và đồng thuận của toàn xã hội đối với hoạt động giám định tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp, tăng cường thanh tra, kiểm tra về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp…