Sáng 31/12 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Tại điểm cầu của tỉnh Hoà Bình có lãnh đạo UBND tỉnh, các Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, các Uỷ viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Năm 2013, công tác chỉ đạo điều hành đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ với việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư và các nghị quyết của Quốc hội với mục tiêu trọng tâm là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo đảm TTATGT. Việc tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo được sự quan tâm, cũng như đồng thuận xã hội trong việc triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT. Hoạt động giám sát đã giúp cho Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đánh giá được kết quả công tác bảo đảm TTATGT, phát hiện được các khiếm khuyết của công tác này để kịp thời bổ sung, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện. Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu cho Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân ban hành các chương trình hành động, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tiêu biểu là các tỉnh: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Nghệ An….
Hiện nay, không còn tình trạng công trình chậm tiến độ. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng cao, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Trong năm 2013, Bộ GTVT đã khởi công 88 dự án (với tổng mức đầu tư gần 300 nghìn tỷ đồng); hoàn thành đưa vào khai thác 65 dự án (với tổng mức đầu tư hơn 36 nghìn tỷ đồng). Bộ GTVT đã ký kết và tổ chức triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và 34 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua nhằm đảm bảo TTATGT tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, các Đoàn thể chính trị - xã hội như Đoàn TNCSHCM, Hội Cựu Chiến binh Việt Ban, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam ở cấp Trung ương và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp vận động Đoàn viên, Hội viên tham gia bảo vệ KCHTGT.
Tai nạn giao thông năm 2013 giảm cả 3 tiêu chí, ùn tắc giao thông được cải thiện, xảy ra 29.385 vụ, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.610 vụ (-5.19%), giảm 55 người chết (-0,58%), giảm 3.045 người bị thương (-9,36%). Năm 2013, tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT, và là năm thứ hai số người chết vì TNGT tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người. Có 37 tỉnh, thành phố giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó, có 3 tỉnh giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trên 20% là: Đồng Nai; Quảng Nam; Tây Ninh. Có 05 tỉnh có số người chết giảm trên 20% là: Vĩnh Phúc, Cà Mau, Đồng Nai, Quảng Nam, Tây Ninh. Có 13 tỉnh, thành phố có số người chết giảm từ 10% - dưới 20% là: Vĩnh Long, Hòa Bình, Sóc Trăng, Quảng Bình, An Giang, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Bình Định, Thái Nguyên, Kon Tum, Yên Bái, Bạc Liêu, Long An. Tuy nhiên, năm 2013, có 19 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 7 tỉnh có số người chết tăng cao trên 10% là: Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Điện Biên, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, có 04 tỉnh tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT là: Gia Lai; Trà Vinh, Cần Thơ, Lai Châu.
Lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện một số địa phương trong cả nước đã thảo luận, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp trình Chính phủ, Uỷ ban ATGT quốc gia nhằm giảm đến mức thấp thiệt hại và người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp giảm số người chết do TNGT dưới 10.000 người trong bối cảnh phương tiện tăng nhanh, là một thành công. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp tương đối đồng bộ và quyết liệt đã kéo giảm được TNGT so với năm 2012. Đây là thành tích của hệ thống chính trị, của Đảng và Ban ATGT các địa phương. Phó Thủ tướng biểu dương những địa phương giảm TNGT, bên cạnh đó phê bình nghiêm khắc các tỉnh để TNGT gia tăng và yêu cầu phải rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung vào 5 nhiệm vụ, trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông. Để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện 5 giải pháp cơ bản. Một là, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí Thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Hai là, phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, chiến sỹ và thanh tra chuyên ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm. Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luât, khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản QPPL về TTATGT để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.Tăng cường công tác cưỡng chế vi phạm TTATGT, tiếp tục phối hợp các lực lượng triển khai phòng, chống đua xe trái phép. Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Năm là, chống ùn tắc giao thông, triển khai thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020; thiết lập trật tự, kỷ cương quản lý lòng đường, vỉa hè theo nguyên tắc vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông. Huy động các lực lượng quần chúng tham gia giữ gìn TTATGT, phối hợp cùng Thanh tra giao thông và các lực lượng của ngành Công an./.