Tính đến 18h ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận 620 trường hợp mắc Covid-19, 05 trường hợp đã tử vong. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã tiến hành khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch tại cụm 3 bệnh viện (Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng), một số địa điểm ghi nhận có ca mắc tại cộng đồng. Tiến hành phong tỏa tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại các địa phương đã phát hiện các trường hợp lây nhiễm (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Thái Bình). Thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe đối với các trường hợp nghi ngờ. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông gửi tin nhắn cảnh báo và yêu cầu liên hệ với các cơ sở y tế đến toàn bộ các thuê bao đã từng đi đến thành phố Đà Nẵng từ 01/7/2020 đến 29/7/2020 và gửi tin nhắn khuyến cáo thực hiện biện pháp phòng, chống dịch cho toàn bộ các thuê bao tại Việt Nam. Tổ chức thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, kết hợp các phương pháp cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, đã từng tiếp xúc với người bệnh, đi/đến, trở về từ những địa phương có nguy cơ cao.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên toàn quốc. Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chia làm 2 đợt: Đối với những địa phương không nằm trong nguy cơ cao, đã chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo tuyệt đối về an ninh sẽ tổ chức kỳ thi theo kế hoạch, những địa phương nằm trong nguy cơ cao, xét thấy không an toàn hoặc chưa an toàn thì sẽ bố trí thi đợt 2.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần lớn là không được lơ là, chủ quan. Trước hết, hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là những vùng có dịch, ổ dịch, cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo. Thứ hai, phải khởi động hệ thống, nhất là hệ thống y tế, để sẵn sàng phòng chống dịch. Đồng thời, quản lý chặt chẽ biên giới; sẵn sàng dồn sức và khả năng có thể để phòng chống dịch tốt nhất. Các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện cần phải có biện pháp quản lý tốt để hạn chế tử vong. Tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, lấy mẫu xét nghiệm rộng, giám sát y tế đối với tất cả các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh, tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và các trường hợp từ ngày 1/7/2020 có đi - về từ thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và qua lại ổ dịch… Bằng nhiều biện pháp kêu gọi người dân khai báo y tế, theo dõi tình sức khỏe. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe cho đơn vị và cộng đồng, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giảm tụ tập, giữ khoảng cách, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, đặc biệt những vùng có ổ dịch thì càng phải thực hiện nghiêm túc. Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, cảng hàng không, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở. Kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép. Bộ GD&ĐT chỉ đạo phương án cụ thể bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, có phương án cụ thể đối với các khu vực cách ly, phải căn cứ vào thực tiễn để chỉ đạo các địa phương có phương án đảm bảo an toàn kỳ thi, có phương án chặt chẽ với các địa phương được cách ly. Đề nghị nhân dân và các địa phương chỉ đạo một cách chặt chẽ để không hoang mang, lo lắng, tiếp tục tin tưởng của các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế. Công tác tuyên truyền tập trung vào 2 hướng: Không gây chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang dư luận./.