Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Bộ Tài chính đánh giá khái quát tình hình việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đạt một số kết quả nhất định.
Việc triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ. Các bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an đã tích cực trong việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; tích cực triển khai, phổ biến, tập huấn các nội dung mới của luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Vì vậy, việc quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được thông suốt, tạo sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế và phân tích nguyên nhân trong quá trình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua. Theo đó, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với luật nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung; tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.
Đối với tỉnh Hòa Bình, qua việc áp dụng các văn bản về chính sách, chế độ, việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã dần đi vào nề nếp, hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ban hành quy chế về quản lý, sử dụng tài sản công...
Để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật được triển khai trong thời gian tới, trên cơ sở thảo luận, đóng góp ý kiến, hội nghị đã thống nhất một số giải pháp như: Tiếp tục tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công từ khâu lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để tránh sai phạm.
Triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và đề xuất sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết ban hành./.