Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2000. Qua thực tiễn thi hành, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự; đã hình sự hóa được nhiều hành vi gây nguy hiểm cao cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học; thực sự là công cụ pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Bộ luật Hình sự đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, trước hết xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, yêu cầu hội nhập quốc tế và bất cập, hạn chế từ công tác tổ chức thực hiện Bộ luật Hình sự cũng như trong chính các quy định của bộ luật này. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định của Bộ luật Hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn sau hơn 12 năm thi hành BLHS và tình hình tội phạm vi phạm pháp luật trong những năm qua. Đồng thời nêu lên một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLHS trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng BLHS mới. Đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi BLHS nằm trong kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, do đó quá trình thực hiện phải dựa trên tinh thần Hiến pháp mới, nhất là vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, tạo cơ chế khuyến khích, huy động cán bộ, nhân dân tham gia phòng, chốn tội phạm.
Đặc biệt, BLHS mới phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm, khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và bỏ lọt tội phạm; quy định là tội phạm đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển KT-XH, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.
Bên cạn kế thừa, phát triển các quy định còn phù hợp của Bộ luật hiện hành cần bổ sung những quy định mới để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước tong tình hình mới; giải quyết những vướng mắc, bất cập đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành đúng định hướng XHCN, tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh cho mọi người dân.