Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, những năm qua, nuôi trồng thủy sản hồ chứa có phát triển nhưng chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, do vậy cần phải có sự định hướng, xây dựng mô hình, lan tỏa sản xuất để có bước đi vững chắc. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa cho phù hợp với nhu cầu phát triển... Đề nghị các địa phương điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản và quy hoạch phát triển nuôi cá hồ chứa phù hợp với từng vùng sinh thái. Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ cho nghề nuôi cá hồ chứa...
Với tiềm năng nuôi cá hồ chứa ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, cả nước có 23 tỉnh có tiềm năng phát triển thuỷ sản hồ chứa, với trên 29.000 lồng nuôi trên sông, hồ chứa. Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa đạt hơn 36,4 nghìn tấn, với các loài cá nuôi phổ biến như: Nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, trắm đen, ngạnh, tầm, rô phi… Những năm qua, để thúc đẩy phát triển thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người nuôi về mùa vụ, quản lý sản xuất, phòng, chống nắng nóng, mưa bão; hướng dẫn công tác quản lý nuôi trồng thuỷ sản lồng, bè. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình nuôi trồng thuỷ sản tại các địa phương; cấp 621 giấy đăng ký xác nhận cơ sở nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển thuỷ sản trên hồ chứa, như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký của chính quyền một số địa phương còn chậm. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số; nhiều cơ sở đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong thực hiện chuyển đổi mục đích chuyển đổi đất; nhiều cơ sở nuôi trồng thuỷ sản chưa có hợp đồng cho thuê đất mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản theo quy định.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, Hòa Bình có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, có vùng lòng hồ thuỷ điện Hòa Bình rộng nên có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa. Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ sôi động, với nhiều tàu, bè cùng hàng nghìn lồng cá đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng lòng hồ Hòa Bình. Hiện nay, đã có trên 20 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình. Tỉnh Hoà Bình đang hướng tới nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hiệu quả, bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu; nuôi trồng gắn liền với phát triển du lịch. Những giải pháp nêu ra tại hội nghị sẽ giúp Hoà Bình thực hiện được mục tiêu đó, ông Đinh Công Sứ cho biết thêm.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến, tham luận khác tập trung vào các nội dung như: Tổng quan về hiện trạng và giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa; Giải pháp tổng thể phát triển kinh tế thuỷ sản hồ chứa; Giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất giống và phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa; Đánh giá công tác quản lý, khai thác và sử dụng mặt nước cho nuôi trồng thuỷ sản tại các hồ chứa, tồn tại và giải pháp; Nguồn lợi thuỷ sản khu vực hồ Hoà Bình: tiềm năng và giải pháp bảo vệ, tái tạo gắn với khai thác và phát triển du lịch sinh thái; Phát triển du lịch trên lòng hồ gắn với kinh tế thuỷ sản; Hiện trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Hòa Bình; Giải pháp nuôi thủy sản trên hồ kết hợp du lịch bền vững với hạ tầng từ vật liệu HDPE; Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản trên hồ chứa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Hòa Bình khẩn trương phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch năm 2030 và triển khai hiệu quả đề án. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng, bè tập trung trên hồ Hòa Bình. Ngành nông nghiệp các tỉnh tập trung chỉ đạo doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện sản xuất, đăng ký cấp mã số, chấp chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi lồng bè. Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ thợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất./.