DetailController

Tin từ các đơn vị

Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi)

03/10/2019 00:00
Ngày 02/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để chuẩn bị nội dung tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tham dự hội nghị, có đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế; cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và trên 50 đại biểu đại diện cho cán bộ công đoàn cơ sở các cấp.
Đồng chí nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý, thảo luận các nội dung về: Thời gian làm việc và nghỉ ngơi của người lao động; độ tuổi nghỉ hưu, tiền lương; tranh chấp lao động và đình công; lao động nữ và bình đẳng giới; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; quyền thương lượng và thỏa ước lao động tập thể.

Qua đó, các đại biểu đã đề xuất giảm giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ/ tuần xuống còn 44 giờ/ tuần và giữ nguyên phương án 2 Điều 105 để đưa vào dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội; tăng thêm 03 ngày nghỉ trong năm. Đề nghị giữ nguyên quy định cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng đến hết nhiệm kỳ như trong Bộ luật lao động năm 2012. Thống nhất quy định theo hướng hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào quan hệ các bên của thị trường lao động; đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “Mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm; đề nghị bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng là “Khả năng chi trả của doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, đề nghị quy định trường hợp tại cơ sở chỉ có một tổ chức đại diện của người lao động thì tổ chức đó đương nhiên có quyền lao động tập thể. Đề nghị quy định về số lượng Hòa giải viên chuyên trách, mỗi tỉnh, thành phố có 1 đến 3 hòa giải viên chuyên trách (căn cứ tình hình của địa phương, đơn vị); rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp của Hòa giải viên xuống còn 3 ngày, rút ngắn thời gian thành lập Ban Trọng tài xuống còn 5 ngày, rút ngắn thời gian giải quyết của Ban Trọng tài xuống còn 15 ngày. Về lao động nữ và bình đẳng giới, đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người sử dụng lao động “Người sử dụng lao động lắp đặp phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động, tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên bắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ,…

Tại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, đề xuất và kiến nghị với Quốc hội để bổ sung vào Bộ luật lao động (sửa đổi) góp phần đảm bảo quyền, lợi ích của công nhân viên chức và người lao động./.