DetailController

CNTT và Viễn Thông

Hòa Bình: ứng dụng CNTT góp phần hiện đại hóa hành chính

09/12/2016 00:00
Năm 2010 toàn tỉnh có hơn 4.600 máy tính phục vụ cho công việc của các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, đơn vị sự nghiệp; 100% máy tính kết nối mạng. Có 50% số cán bộ, công chức, viên chức biết sử dụng máy tỉnh; 49/57 đơn vị các sở, ngành có cán bộ hoặc bộ phận phụ trách về CNTT....Để kịp thời khắc phục những hạn chế trên, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 23/12/2011 về phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông. Tới nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, về cơ bản hoạt động ứng dụng CNTT&TT đã góp phần mạnh mẽ hiện đại hóa nền hành chính, thay đổi tác phong làm việc của cán bộ, doanh nghiệp, đảm bảo nâng cao chất lượng công việc.
Tới nay 100% học sinh trung học phổ thông của tỉnh Hòa Bình đã được học tin học (vượt chỉ tiêu nghị quyết 20%)

 Sau khi thực hiện Nghị quyết 05, từng bước hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị đã được đầu tư và phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch; số lượng, chất lượng nguồn lực CNTT để triển khai các ứng dụng CNTT & TT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan Nhà nước và quản lý hoạt động của doanh nghiệp được chú trọng tăng cường. Công tác đào tạo, tập huấn về CNTT nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, kỹ năng ứng dụng CNTT, quản trị chuyên sâu cho cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý các sở, ban, ngành được chú trọng đầu tư. Thông qua việc triển khai các dự án CNTT, đội ngũ cán bộ đã nâng cao trình độ, góp phần hoàn thành nhanh gọn, hiệu quả hơn công việc được giao.

Đến nay đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng: 100% tỷ lệ xã thu được sóng phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương; 100% xã trên toàn tỉnh có điện thoại, 80% cán bộ công chức, lãnh đạo quản lý ở các sở, ban, ngành được đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT (đạt chỉ tiêu); 60% văn bản được lưu chuyển trên mạng; 100% học sinh trung học phổ thông được học tin học (vượt chỉ tiêu nghị quyết 20%)....Tính đến hết năm 2015 có 8/15 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 05 đề ra.

Nhìn chung, việc thực hiện Nghị quyết số 05 đã góp phần đáng kể  trong quản lý, hiện đại hóa nền hành chính, tạo điều kiện quan trọng để Hòa Bình có chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT&TT (ICT index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt kết quả cao. Việc ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chỉ số thành phần “tính minh bạch” trong bảng chỉ số PCI của tỉnh đã tăng dần theo từng năm: năm 2010 đạt 3,32 điểm, năm 2011 đạt 5,87 điểm, năm 2012 đạt 5,9 điểm, năm 2015 đạt 6,32 điểm.

Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ phát triển CNTT&TT còn hạn chế. Với đặc thù tỉnh có địa hình phức tạp, địa bàn các xã phân tán và cách xa nhau nên việc triển khai hạ tầng CNTT&TT còn rất khó khăn, hạn chế. Việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, trung ương cho các địa phương sử dụng nhằm giảm chi phí đầu tư hiện mới đang triển khai bước đầu, chưa đạt kết quả như lộ trình mong muốn. Việc ứng dụng CNTT&TT trong công tác quản lý và tác nghiệp mới chỉ ở bước đầu, hiệu quả chưa cao. Ứng dụng CNTT&TT trong dịch vụ công và phục vụ cải cách hành chính còn hạn chế mới đạt ở mức cấp độ 2; thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong triển khai. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT chưa theo kịp yêu cầu cả về số lượng, cơ cấu, loại hình, cấp độ và chất lượng.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được và những chỉ tiêu chưa đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 05, thời gian tới cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành có chỉ tiêu chưa hoàn thành theo nghị quyết. Tiếp tục xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội. Đảm bảo CNTT phục vụ tốt nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời. Mục tiêu cụ thể: Hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Phấn đấu 100% các DN và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Hoàn thiện băng rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; tỷ lệ người dân sử dụng internet trên 70%. Phấn đấu 60% hộ gia đình có máy tính và truy cập internet băng rộng. Phải đẩy mạnh thực hiện ứng dụng và phát triển CNTT&TT một cách toàn diện, nhiều phương thức trên tất cả các đối tượng./.