DetailController

Thủy sản

Hòa Bình: Tích cực thu hút các nguồn đầu tư để phát triển nuôi trồng thủy sản

04/12/2023 16:30
Vơi tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn, tỉnh Hòa Bình có hơn 14.560 ha mặt nước, 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, trong đó có 49 hồ chứa lớn có dung tích từ 3 -10 triệu m3, 151 hồ chứa vừa có dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3, 273 hồ chứa nhỏ có dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m3 và có 70 hồ chứa có dung tích dưới 50.000 m3 phân bố trên địa bàn của 10 huyện, thành phố của tỉnh. Hồ thuỷ điện Sông Đà có diện tích 8.892 ha, tại trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện gồm: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc và Mai Châu.
Hòa Bình hiện có gần 5.000 lồng nuôi cá trên sông và các hồ chứa

Đồng thời, nguồn nước hồ chứa sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, chất thải và hóa chất công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Đây là một lợi thế lớn của tỉnh Hòa Bình trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản.

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng, bè trên hồ thủy điện Hòa Bình đã phát triển rất nhanh, số lồng/bè nuôi cá năm 2014 là 1.700 lồng thì đến năm 2023 là 4.980 lồng. Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 7.000 tấn gồm các loài như: cá chiên, cá lăng chấm, diêu hồng, cá trắm đen, cá bỗng, cá tầm, trắm cỏ, cá rô phi… Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hòa Bình duy trì diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.697 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1.200 ha). Số lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa là: 4.980 lồng, trong đó, số lồng, bè nuôi được cấp mã số là 535 lồng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa ước đạt 9.216 tấn, đạt 104% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra.

Hiện nay, trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh một số loài cá đặc sản như: cá trắm đen, cá ngạnh, cá lăng, cá tầm... Điển hình như: Công ty TNHH Hải Đăng HB Hòa Bình có 200 lồng nuôi với thể tích 28.800 m3, Công ty TNHH Cường Thịnh nuôi 240 lồng, thể tích 25.400 m3... Hàng năm cung cấp cho thị trường sản lượng lớn cá thương phẩm các loại.

Nhiều loài có giá trị kinh tế cao được nuôi lồng bè, sản phẩm cá, tôm sông Đà được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa dùng. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình”, là điều kiện để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Để thúc đẩy việc phát triển nuôi trồng thủy sản, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách để phát triển nuôi trồng thủy sản, tại các văn bản như: Nghị quyết số 12 - NQ/TU ngày 13/6/2014 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020"; Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 05/7/2021 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình...

Để tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Hòa Bình đề ra các nhiệm vụ phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển thuỷ sản bền vững; bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, ổn định sản xuất đời sống của người dân các dân tộc vùng ven hồ thủy điện Hòa Bình gắn với bảo vệ hệ sinh thái và môi trường nước gắn với phát triển du lịch. Diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định 2.700 ha (kết hợp nuôi tại các hồ thủy lợi 1.200 ha); 4.900 lồng nuôi cá; tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản đạt 4,5%; sản lượng thu hoạch thủy sản trên 12.000 tấn; sản xuất và ương dưỡng trên 100 triệu con giống thủy sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực thuỷ sản, phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm.

Xây dựng kế hoạch và giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến. Vận động, khuyến khích thành lập trong năm được 1 hợp tác xã trở lên, tổ hợp tác trong sản xuất thủy sản phát triển theo hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình; tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà gồm: Nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà băng; tăng cường gắn kết trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm chủ động, tích cực thu hút nguồn đầu tư ngoài tỉnh trong lĩnh vực thủy sản…/.