Hoà Bình là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, là quê hương của nền văn hoá thời tiền sử - nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng thế giới. Thiên nhiên còn ưu đãi ban tặng cho mảnh đất này nhiều danh thắng kỳ vĩ với những hang động, hồ nước thơ mộng, bản làng đẹp mê lòng người. Với những tiềm năng đó, Hoà Bình luôn quan tâm đến việc phát triển du lịch văn hoá, sinh thái một cách bền vững.
Anh bạn người thủ đô của tôi được coi là “khách ruột” của các điểm du lịch tại Hoà Bình. Cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết, anh cùng gia đình và bè bạn lại “ngược” lên mảnh đất tươi đẹp, giàu bản sắc. Anh tâm sự: Càng đi, càng khám phá càng thấy cảnh và người Hoà Bình hấp dẫn. Mỗi lần đến một điểm du lịch nào anh cũng háo hức như mở một phong thư. Ấy vậy mà anh bộc bạch rằng, nét văn hoá các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông vẫn còn lôi cuốn, điều thú vị còn phong kín chờ được khám phá nhiều hơn nữa. Có lẽ điều đó không chỉ đúng với anh bạn tôi mà còn là sở thích của không ít du khách trong và ngoài nước.
Trong cái se lạnh của đất trời chớm xuân, ghé thăm thung lũng Mai Châu quả là thú vị. Đặt chân đến mảnh đất mây vờn đỉnh núi này, bạn sẽ tham gia vào tuyến du lịch văn hoá Thái, thăm các trang trại trù phú, hoà mình vào những cuộc đua bè, mảng trên suối. Đêm về quây quần bên ánh lửa trại bập bùng, cùng say đắm trong men rượu lá, hồ hởi trong điệu múa xoè, cảm nhận tình người thật nồng nàn, ấm áp. Lên đến bản người Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò, bạn không chỉ thưởng thức vẻ hùng vĩ của núi non, đại ngàn, ngắm hoa đào, hoa mận rực rỡ sườn núi, quanh nhà mà còn được thưởng thức món bánh dày cổ truyền, tìm hiểu nghề rèn, dệt, khâu truyền thống của phụ nữ Mông. Bản sắc văn hoá Mường ý nhị và tinh tế vẫn còn được lưu giữ đậm nét tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) hay xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Về miền đất thơ mộng này, bạn được ngắm chiếc cối giã gạo, guồng quay nước hiền hoà tưới cho cánh đồng xanh mướt; thưởng thức rượu cần, văn nghệ dân gian và nghe chuyện về xứ Mường xưa, về sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, truyện thơ Nàng Nga Hai Mối. Nếu thích mạo hiểm, bạn có thể tham gia tuor du lịch xuyên rừng Pu Canh, khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, Pù Hoọc, hoà mình vào thiên nhiên hoang dã với những cây cổ thụ và hệ động vật phong phú. Ngoài ra, tuyến du lịch văn hoá – tâm linh Đền Bờ; các tuyến du lịch văn hoá - lịch sử - khảo cổ như hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn); hang Muối, thị trấn Mường Khến (Tân Lạc); chiến khu Mường Diềm (Đà Bắc)… đang được củng cố, đầu tư mở rộng. Hồ Hoà Bình với công trình thuỷ điện trên sông Đà đã được đưa vào quy hoạch tuyến du lịch trọng điểm quốc gia với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên non cao. Suối nước nóng Kim Bôi ngày đêm tuôn chảy, lưu luyến bước chân du khách.
Hiện nay, toàn tỉnh có 175 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 37 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh và hơn 30 lễ hội cộng đồng dân tộc. Các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch không ngừng tăng và nâng cao chất lượng với 180 khách sạn, nhà nghỉ và bản làng văn hoá dân tộc. Trước những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, trong nước năm 2009, ngành du lịch Hoà Bình đã có những bước đi thích hợp. Trong đó, tập trung củng cố các tuyến, điểm du lịch cũ, mở các tuor mới như tuor đi bộ Hoà Bình – Đà Bắc 5 ngày 4 đêm xuyên rừng Pu Canh. Nối tuyến với các điểm như Mộc Châu (Sơn La), Bá Thước, Hồi Xuân (Thanh Hoá)… Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, mở lớp tập huấn cho đội ngũ làm du lịch. Bên cạnh đó, các cơ sở đã làm mới những sản phẩm du lịch của mình. Đưa các món ăn dân tộc độc đáo vào phục vụ du khách. Thực hiện khuyến mãi, giảm giá tuor một cách hợp lý.
Ông Ngô Trọng Thược, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT&DL) cho biết: Năm 2009, toàn tỉnh đón 840.000 lượt khách, tăng 21,9% so với năm 2008, trong đó khách trong nước 746.000 lượt, khách quốc tế 67.000 lượt. Thu nhập du lịch ước đạt 265 tỉ đồng, tăng 8,6%. Với tiềm năng to lớn và cơ chế “mở” của tỉnh, các nhà đầu tư đã đăng ký triển khai nhiều dự án lớn. Trong năm đã có gần 20 dự án đăng ký xây dựng điểm du lịch văn hoá – sinh thái, tiêu biểu như: Khu đô thị sinh thái, vui chơi, giải trí Viên Nam tại xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn), diện tích 65 ha, vốn đầu tư dự kiến 229,6 tỉ đồng. Khu du lịch thiên nhiên hoang dã Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc), diện tích 50 ha, vốn đầu tư dự kiến 52,5 tỉ đồng…
Khai thác hợp lý các tiềm năng, ngành du lịch đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ môi trường, thì các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng cần được triển khai đúng thời gian, mục đích như đã đăng ký. Cùng với việc thành lập Hiệp hội du lịch Hoà Bình, tin rằng, ngành du lịch tỉnh ta sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.