Tháng 1/2005, toàn tỉnh có 81/210 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh luôn duy trì 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2019, có 32,9% trung tâm học tập cộng đồng xếp loại tốt; 45,7% trung tâm học tập cộng đồng xếp loại khá; 21,4% trung tâm học tập cộng đồng xếp loại trung bình.
Về cơ sở vật chất, đến nay 135/151 trung tâm học tập cộng đồng có trụ sở hoạt động riêng; 151/151 trung tâm đã khắc con dấu; 107/151 trung tâm mở tài khoản hoạt động; 151/151 trung tâm có máy vi tính và kết nối mạng internet phục vụ khai thác tài liệu hoạt động chuyên đề; 151/151 trung tâm kết nối với nhà văn hóa xã; 140/151 trung tâm được trang bị loa, đài, ti vi, các thiết bị nghe nhìn; 151/151 trung tâm có tủ sách cộng đồng gồm cáctài liệu giáo dục, pháp luật, y tế, văn hóa – xã hội, môi trường…
Giai đoạn 1999-2002, việc quản lý và tổ chức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng được giao cho các hiệu trưởng trường trung học cơ sở. Giai đoạn 2003-2007, tổ chức bộ máy và nhân sự của trung tâm học tập cộng đồng do Hội Khuyến học cơ sở tham mưu cấp ủy xem xét lựa chọn và giao cho UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định bổ nhiệm. Cán bộ kiêm nhiệm công tác trung tâm học tập cộng đồng là giáo viên của các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở. Từ năm 2008 đến nay, đội ngũ cán bộ của trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Mỗi trung tâm học tập cộng đồng có 01 giám đốc (là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm); 02 phó giám đốc (là Hiệu trưởng trường tiểu học hoặc trung học cơ sở và Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Khuyến học cấp xã kiêm nhiệm), 01 giáo viên làm thường trực được điều động từ trường tiểu học hoặc trung học cơ sở sang làm chuyên trách. 100% trung tâm học tập cộng đồng đã thành lập được 5 tổ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, hoạt động kiêm nhiệm không có phụ cấp. Tổ trưởng và các tổ viên là cán bộ đương chức kiêm nhiệm, những cán bộ nghỉ hưu, những người trong cộng đồng tình nguyện tham gia và được giám đốc trung tâm phê duyệt danh sách. Các trung tâm học tập cộng đồng đều có mạng lưới giáo viên, báo cáo viên, công tác viên (từ 15 người trở lên) là những cán bộ, công chức, viên chức đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, những nghệ nhân, những người có kinh nghiệm trong lao động sản xuất có tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng tự nguyện tham gia truyền đạt các chuyên đề, tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho người có nhu cầu học tập.
Trung tâm học tập cộng đồng được kết nối với các câu lạc bộ phát triển cộng đồng thôn (mỗi xóm, bản, tổ có một câu lạc bộ có thành viên là trường xóm hoặc bí thư chi bộ và các cán bộ hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, giáo viên…tham gia theo hình thức tự nguyện) với các nhóm, câu lạc bộ sở thích (mỗi nhóm, câu lạc bộ có từ 5 – 30 người) gồm những người lao động cùng chung sở thích tham gia tự nguyện như: nhóm chăn nuôi (nuôi lợn, trâu bò, gà, vịt, ong mật…), nhóm trồng trọt (trồng cam, bưởi, chanh, mía, rau sạch…); nhóm trợ giúp pháp lý; nhóm không sinh con thứ 3; nhóm liên gia; câu lạc bộ thơ, cầu lông, bóng bàn, dưỡng sinh…Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thành viên các nhóm, câu lạc bộ xác định nhu cầu cần thiết, tìm hiểu những vấn đề khó khăn trong cộng đồng để tổ chức các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm cho phù hợp, đồng thời đề xuất trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để cùng chia sẻ và tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện các mục tiêu của nhóm, câu lạc bộ đã đề ra./.