Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phong trào thi đua “Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” đã góp phần làm đời sống tinh thần, vật chất của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; bộ mặt nông thôn được đổi mới, kết cấu hạ tầng KT-XH được cải thiện và nâng cấp rõ rệt… Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Hòa Bình là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt tiêu chí hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về trước 2 năm so với kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 77 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 40% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 10,6 tiêu chí/xã so với năm 2011. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 23,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 14,28%, giảm 17,23% so với năm 2011. So với các tỉnh vùng Tây Bắc thì tỉnh Hòa Bình đứng thứ nhất về chỉ tiêu số xã và đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới.
Trong 10 năm, tỉnh đã huy động nguồn lực nâng cấp, sửa chữa, xây mới, cứng hóa được trên 4 nghìn km đường trục xã, liên xã; trục thôn, xóm, đường ngõ xóm, bản và nội đồng, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên hơn 6.100 km; xây mới và sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa được gần 800 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên hơn 1.700 km, từng bước đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu và phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh nâng cấp, sửa chữa, xây mới trên 500 công trình trường học và trên 700 công trình cơ sở vật chất văn hóa. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững chắc.
Bên cạnh đó, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, điển hình như các vùng sản xuất cây ăn quả có múi hiện có 9,8 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh 5,7 nghìn ha, sản lượng 12,3 vạn tấn, giá trị thu nhập bình quân đạt trên 450 triệu đồng/ha/năm, tăng 7,5 lần so với năm 2011; diện tích gieo trồng tại các vùng sản xuất rau an toàn trên 11 nghìn ha/năm, giá trị thu nhập đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự quan tâm của toàn xã hội. Tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019 đối với huyện Lương Sơn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020 đối với huyện Lạc Thủy; phấn đấu xây dựng thành công một số xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị đối với thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, huyện Mai Châu..../.