Tỉnh có địa giới tiếp giáp, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 73 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 93 km và cảng biển Hải Phòng 170 km. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 4.596,4 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 51%, đất sản xuất nông nghiệp 12%, đất nuôi trồng thuỷ sản 0,27%, đất phi nông nghiệp 12,3%, đất chưa sử dụng chiếm hơn 24%. Đây là một trong những lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư. Một lợi thế cho các nhà đầu tư là các huyện, thành phố trong tỉnh có 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020 với tổng diện tích gần 1.300 ha. Trong đó, KCN Lương Sơn đang khai thác và cho thuê 42 ha/82,4 ha; KCN bờ trái sông Đà đang khai thác và cho thuê 31 ha/68,37 ha; KCN Nam Lương Sơn đã có một số dự án triển khai thực hiện trên diện tích khoảng 95 ha/204 ha. KCN Mông Hoá (Kỳ Sơn) hiện đang cho thuê 17,24 ha/236 ha... Ngoài ra, 15 cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào tỉnh còn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các Nghị định của Chính phủ cùng cơ chế, chính sách của tỉnh ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; tiền thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ... Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được hỗ trợ cung cấp thông tin về môi trường và các chính sách đầu tư; quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, các quy hoạch về đất đai, xây dựng, phát triển ngành, lĩnh vực và những thông tin về sơ đồ vị trí, mốc giới, trích lục bản đồ giải thửa địa điểm dự kiến đầu tư dự án.
Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2019, có 49 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.800,9 tỷ đồng; 02 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 20,5 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 568 dự án, trong đó, có 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 583,6 triệu USD và 528 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng gần 69.373 tỷ đồng. Hiện nay, các KCN trên địa bàn có 90 dự án đầu tư, tring đó có 50 dự án đã đi vào hoạt động SXKD, tạo việc làm cho khoảng 17.870 lao động. Trong 9 tháng, có 283 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký là 3.846 tỷ đồng; cấp thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho trên 863 lượt doanh nghiệp; 101 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 24 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 45 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác thành lập mới, lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 01 liên hiệp hợp tác xã, 314 hợp tác xã, 220 tổ hợp tác đang hoạt động. Công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp tiếp tục được tăng cường.
Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh chỉ đạo quyết liệt khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém nhằm đổi mới căn bản môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chọn lọc kỹ, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đảm bảo công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến các thủ tục thu hút đầu tư; tập trung GPMB tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là trách nhiệm công vụ của CB, CC trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường nhằm loại bỏ phiền hà, tạo điều kiện và thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Quan tâm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đã và đang SXKD trên địa bàn tỉnh, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá và tổ chức xúc tiến đầu tư. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp./.