Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, góp phần tác động tích cực đến tỉnh hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 8,36%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 50,7 triệu đồng; có 22/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 14,9%. Từ những kết quả trên cho thấy phong trào phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi; kinh tế trang trại ngày càng phát triển. Các mô hình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo như cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật phát triển kinh tế; nuôi lợn nhựa giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... các phong trào tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ phòng chống thiên tai”, “Quỹ ủng hộ bộ đội Trường Sa và giàn khoan DDK1” được cán bộ và nhân dân nhiệt tỉnh hưởng ứng.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những giải pháp quan trọng để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần hình thành và phát triển các nhu cầu, chuẩn mực văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa thấm dần vào từng người, từng gia đình và cộng đồng dân cư nhằm định hướng, xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân với phương châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa xanh- sạch - đẹp - an toàn trong từng hộ gia đình, khu dân cư, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Duy trì thực hiện tốt “Ngày thứ 7 làm sạch môi trường”, mô hình “Đường phụ nữ tự quản”, mô hình “Tuyến phố văn minh”, “Khu dân cư không rác”... Kết hợp với các phong trào thi đua giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, ăn sạch, ở sạch, uống sạch không để xảy ra dịch bệnh, các công trình vệ sinh được xây dựng kiên cố, đảm bảo tính khoa học.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã từng bước làm thay đổi diện mạo của nông thôn; tính đến nay, toàn tỉnh có tổng số 1.696 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố đạt tỷ lệ 84,8%; có 89/210 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt 24,2%; 11/11 nhà văn hóa cấp huyện, thành phố đạt 100%. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng được đầu tư nâng cấp, hiện có 2.031 sân cầu lông, bóng đá phục vụ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tạo điều kiện cho phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển từ cơ sở đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục triển khai kế hoạch số 44-KH/TU ngày 9/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 12/8/2016 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho Công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”. Tỉnh Hòa Bình đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân lao động tại khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc với số tiền trên 390 tỷ đồng./.