Thực hiện Nghị định số 98, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã xác định các sản phẩm quan trọng, chủ lực của địa phương là cơ sở cho việc thực hiện Nghị định 98. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện và phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Quyết định về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Trong đó các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện trên địa bàn tỉnh được xác định gồm: (1) Sản phẩm trồng trọt: Rau an toàn, Cây ăn quả có múi, Mía ăn tươi, Cây dược liệu, Lúa chất lượng cao.(2) Sản phẩm chăn nuôi: Trâu, Bò lai, Dê lai, Lợn bản địa, Gà thả vườn, Cá nuôi Lồng. (3)Sản phẩm lâm nghiệp: Cây gỗ lớn, Lâm sản ngoài gỗ.
Trong thời gian vừa qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, xong UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tính đến hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 10 dự án liên kết (trong đó 8 dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp huyện) được phê duyệt; trong đó 8 dự án (6 dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp huyện) được nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ, 2 dự án cấp tỉnh xin dừng hỗ trợ thực hiện do chủ trì dự án căn cứ tình hình thực tế tự thấy khó đáp ứng được các điều kiện theo quy định. Với 10 dự án liên kết đã được phê duyệt, chia theo nhóm ngành hàng, chủ trì liên kết; quy mô tác nhân liên kết tham gia (số hộ nông dân, số HTX, số doanh nghiệp, số tổ chức khoa học…); số lượng liên kết do HTX làm chủ trì; số lượng kế hoạch, dự án được phê duyệt phân theo các hình thức liên kết... Trong số đó có 4 chuỗi liên kết là sản phẩm chủ lực.
Tuy nhiên, việc quy định chi, hình thức chi và nguồn vốn chi dành cho việc hỗ trợ theo Nghị định 98 thường được đăng ký, phân bổ vốn từng năm, không có kế hoạch vốn cho cả giai đoạn nên có nguy cơ đứt gãy liên kết khi không được hỗ trợ những năm tiếp theo; cùng với đó, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động nên các doanh nghiệp, HTX ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân. Qúa trình triển khai Nghị định còn nhiều vướng mắc, cần sự hướng dẫn từ Trung ương.
Nhìn chung, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 98, tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu. Một là, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về việc triển khai thực hiện các Nghị định Chính phủ, Nghị quyết của HĐND, các văn bản của UBND tỉnh qua báo, đài, lồng ghép qua các hội nghị, hội thảo, chương trình công tác... để tăng cường thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất... hiểu sâu sắc hơn về lợi ích lâu dài, bền vững của chuỗi liên kết, chủ động nghiên cứu, tiếp cận chính sách hỗ trợ. Hai là, tăng cường tuyên truyền, tập huấn Nghị định 98 tới các doanh nghiệp, HTX được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và thực hiện tốt liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Ba là, cần có kế hoạch về nguồn vốn hỗ trợ ổn định theo giai đoạn, tránh tình trạng chỉ hỗ trợ được trong năm đầu trong khi dự án liên kết phải thực hiện ít nhất từ 3 đến 5 năm theo quy định. Bốn là, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động hơn nữa, kịp thời phản ánh, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định để báo cáo cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn... đảm bảo phù hợp thực tiễn tại địa phương. Từ đó, các đối tượng thụ hưởng chính sách có niềm tin, động lực cao hơn trong thực hiện liên kết và tạo chuỗi liên kết bền vững, hiệu quả. Năm là, xác định được dự án, nội dung hỗ trợ và cách làm phù hợp với điều kiện thực tế đối với từng địa bàn; nắm bắt kịp thời xu hướng, nhu cầu của thị trường để có chiến lược, kế hoạch lâu dài trong phát triển sản phẩm cũng như xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm./.