Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Tân Lạc đã đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó coi trọng việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT. Đồng thời, điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT; định kỳ hàng năm rà soát, cập nhật, bổ sung, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT...
Trong giai đoạn 2010 – 2020, huyện đã mở 130 lớp dạy nghề cho trên 3.400 LĐNT. Trong đó có 60 lớp dạy nghề nông nghiệp cho trên 1.600 lao động và 70 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho trên 1.700 lao động. Căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương và khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, huyện đã lựa chọn chủ yếu 3 nghề để đào tạo là: trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp. Các lớp dạy nghề đã bám sát nhu cầu thực tế, lồng ghép giữa lý thuyết với thực hành trong từng mô hình sản xuất để người học dễ dàng áp dụng, tự tạo việc làm cho mình và mang lại hiệu quả rõ nét. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất đem lại thu nhập cao như: chăn nuôi gà thả vườn, trồng rau sạch, trồng cây có múi. Một số nghề phi nông nghiệp tạo việc làm ổn định cho người lao động như may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp…
Ngoài được hỗ trợ chi phí học nghề, LĐNT thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại theo quy định. Sau đào tạo số lao động có việc làm chiếm tỷ lệ 80% số người học nghề.
Tuy nhiên, còn một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đó là: các cơ sở dạy nghề trên địa bàn quy mô còn nhỏ, thiếu trang thiết bị, thiếu giảng viên chuyên sâu; số doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, do đó khả năng tạo việc làm tại chỗ cho người lao động sau đào tạo còn thấp; ngân sách bố trí cho công tác dạy nghề còn hạn chế; người lao động chưa chủ động xin tham gia, hào hứng với việc học nghề.
Thời gian tới, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội về vai trò của đào tạo nghề cho LĐNT. Có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Tiếp tục thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp gắn với việc làm, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương./.