DetailController

Giáo dục

Giáo dục huyện Tân Lạc - 60 năm vượt khó và phát triển

21/12/2017 00:00
- Cách đây 60 năm, khi huyện Tân Lạc mới được thành lập, đa số người dân chưa biết chữ; đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã có rất ít người học đến lớp 4, còn lại hầu hết ở trình độ người biết đọc, biết viết. Giai đoạn này, toàn huyện có 6 trường với 16 lớp học, gần 500 học sinh và trên 20 giáo viên. Nhiều phong trào thi đua "Dạy tốt – học tốt” đã được phát động và diễn ra sôi nổi, liên tục như: "Tích cực thi đua dạy tốt, học tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý”, "Thi đua học tập và tiến kịp xã Thu Phong”... đã từng bước đưa Tân Lạc trở thành điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc. Minh chứng rõ nét đó là năm 1985, xã Ngổ Luông được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động ngành giáo dục”.
Giáo dục vùng cao được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ảnh: Trường TH&THCS xã Bắc Sơn.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện khẳng định: Một trong những điểm nổi bật của giáo dục Tân Lạc đó là kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn nhưng giáo dục có bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc, nhất là ở các xã vùng cao như Ngổ Luông, Bắc Sơn, Nam Sơn... Cơ sở vật chất của ngành được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân hết sức chăm lo. Hiện nay, toàn huyện có trên 80% phòng học kiên cố, 100% trường học được trang bị máy tính, máy chiếu và kết nối internet. Hàng năm, kinh phí mua sắm, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất với số tiền bình quân trên 18 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện và sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2012 – 2017 đầu tư xây dựng và sửa chữa 168 tỷ đồng.

Quy mô trường, lớp được sắp xếp, quy hoạch phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng trường và địa bàn dân cư. Hiện nay, toàn huyện có 69 trường học, 24 trung tâm học tập cộng đồng và 2 cơ sở giáo dục mầm non với gần 22.000 học sinh. Trong đó có 23 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 36,5% trường học trực thuộc huyện). Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của toàn huyện được chuẩn hóa, 100% đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt trên 70% đối với cấp tiểu học, trên 50% đối với cấp mầm non và THCS. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới và phát triển GD&ĐT trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi được nâng lên theo hướng bền vững. Tỷ lệ bình quân trẻ em mẫu giáo ra lớp đạt 98%; nhà trẻ ra lớp đạt 37%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 97%. Năm học 2016 – 2017, toàn huyện có trên 1.500 học sinh giỏi, 513 giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Số lượng học sinh thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH ngày càng tăng.

Đồng chí Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết thêm: Công tác khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Toàn huyện có trên 50% gia đình hiếu học, trên 30% dòng họ hiếu học. Quỹ khuyến học các xã duy trì từ 10 – 50 triệu đồng/xã. Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai sâu rộng, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục.