Ở một tỉnh miền núi như Hoà Bình, với 70% là người dân tộc thiểu số, có nhiều trường ở vùng cao, vùng sâu, thì việc đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho giáo dục dân tộc.
Để công tác này đạt được chất lượng, ngành Giáo dục đã làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, chăm lo và thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục dân tộc; điều kiện cho cho giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên. Về xây dựng cơ sở vật chất, cùng với những công trình trước đây, hiện nay đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã đem lại cho nhiều trường điều kiện dạy và học tốt hơn. Trong giai đoạn 2008-2012, (theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tiếp tục xoá phòng học tạm các loại, giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn), tỉnh ta sẽ có tổng số 2.704 phòng học và 1.405 phòng công vụ cho giáo viên ( trong đó ngân sách trung ương là 515.280 triệu đồng, ngân sách địa phương là 57.253 triệu đồng). Tại thời điểm này, nhiều công trình của đề án đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra, việc xây dựng, chăm lo tới các trường dân tộc nội trú được triển khai có hiệu quả. Năm học 2009-2010, tỉnh ta đã thành lập thêm 1 trường dân tộc nội trú huyện Yên Thuỷ, nâng tổng số lên 10 trường dân tộc nội trú. Hệ thống các trường dân tộc nội trú từng bước được hoàn thiện hơn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng tăng cường chuẩn hoá và chuẩn quốc gia. Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú có đủ phòng ở theo hướng an toàn, tiện lợi cho việc sinh hoạt, học tập. Bên cạnh các công trình đã nghiệm thu, hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng trường PTDTNT Mường Chiềng với tổng mức đầu tư là 25.300 triệu đồng, trường PTDTNT Yên Thuỷ là 27.700 triệu đồng. Cũng trong năm học qua, Ngành đã chỉ đạo sát sao việc mua, sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy và học cho các trường.
Bên cạnh đó, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên người dân tộc thiểu số; giáo viên ở vùng sâu, vùng cao cũng được quan tâm thấu đáo. Đội ngũ đã được bồi dưỡng và từng bước trưởng thành; bảo đảm “vừa hồng, vừa chuyên”. Toàn ngành đã có 3.229 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 48% đảng viên toàn ngành. Chất lượng giáo viên người dân tộc thiểu số được nâng cao. 62% giáo viên mầm non là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn (trên chuẩn, chiếm 2%). 100% giáo viên tiểu học, THCS, THPT là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn. Nhiều cán bộ, giáo viên đã có trình độ trên chuẩn. Cũng vì thế, chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, của vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ nét. Nhiều trường ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia như tiểu học xã Phú Vinh (huyện Tân Lạc), tiểu học Nhuận Trạch, tiểu học Cao Dương, THCS Tân Thành (huyện Lương Sơn), tiểu học Chiềng Châu (huyện Mai Châu), tiểu học Yên Trị (huyện Yên Thuỷ), mầm non Tu Lý (huyện Đà Bắc), tiểu học Yên Nghiệp, Liên Vũ (huyện Lạc Sơn)... Trong 10 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, đã có 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường như PTDT nội trú Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi... luôn khẳng định được mình bằng chất lượng “dạy tốt-học tốt”. Tháng 8/2010, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được công nhận là trường chuẩn quốc gia và là 1 trong 3 trường THPT được công nhận đạt chuẩn. Vài năm gần đây, tỷ lệ học sinh của trường đỗ các trường đại học, cao đẳng luôn chiếm từ 62% trở lên.