DetailController

Giáo dục

Giám sát công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

22/05/2014 00:00

Ngày 21/5, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội và Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Thanh Mịch, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội và Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 về phê duyệt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Tham gia Đoàn có lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh; Các Ban Kinh tế và Ngân sách; Pháp chế HĐND tỉnh; các Sở Tài Chính; KH&ĐT; Ban Dân tộc tỉnh; Đại biểu HĐND tỉnh ở cơ sở thuộc tổ đại biểu TPHB.

Đồng chí Hoàng Thanh Mịch, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội và Dân tộc HĐND tỉnh kết luận tại buổi làm việc

 Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các chương trình đào tạo nghề đều được gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Số lượng lao động qua đào tạo nghề tăng đều hàng năm, các ngành nghề đào tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, phần lớn lao động sau khi được đào tạo, đã phát huy, vận dụng kiến thức trong lao động sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 40 cơ sở dạy nghề, gồm:

Chổi chit, tăm hương, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, điện dân dụng, hướng dẫn du lịch, sửa chữa xe máy, chăn nuôi…Từ năm 2010-2013, các cơ sở dạy nghề đã bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho 59.653 người, trong đó, CĐ nghề 1.956 người, chiếm 3,28%; Trung cấp nghề 5.554 người, chiếm 9,31%; sơ cấp nghề 25.340 người, chiếm 42,5%; dạy nghề dưới 3 tháng 26.803 người, chiếm 44,91%.  Kinh phí đào tạo nghề thuộc chương trình dự án nghề lao động nông thôn là 79.650 triệu đồng, dự án  đổi mới và phát triển dạy nghề 15.800 triệu đồng, hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề, điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, giám sát đánh giá dự án 2.110 triệu đồng. Tỷ lệ học sinh có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%, lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 70%, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn như: Cơ sở vật chất còn thiếu thốn; các Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện còn chưa được bố trí đủ giáo viên cơ hữu và đảm bảo chất lượng về cơ cấu ngành nghề; tính tự giác học nghề của người lao động chưa cao.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

làm rõ một số vấn trong công tác đào tạo nghề; việc quản lý; sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn; việc xây dựng các Trung tâm đào tạo nghề; công tác quản lý trang thiết bị; chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề. 

 

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Hoàng Thanh Mịch, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội và Dân tộc HĐND tỉnh, đánh giá cao những nỗ lực mà ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế mà ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần tập trung thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới như: cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề, giải quyết việc làm, điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với thực tế. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả cơ sở, vật chất, trang thiết bị hiện có. Chủ động phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan thường trực BCĐ trong quá trình thực hiện.