Cùng với đó, các Phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng, bám sát thực tiễn, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Công tác khen thưởng cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật, đã động viên, tôn vinh kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng từng bước được hoàn thiện. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp được củng cố, kiện toàn. Các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt với nhiều hình thức phong phú. Thường xuyên đổi mới hình thức tổ chức các phong trào thi đua: Một số phong trào thi đua được phát động, tổ chức ngoài trời, truyền hình trực tiếp hoặc tổ chức các hoạt động tại chỗ như giao lưu, trao đổi, hỏi đáp,... ngay từ khâu phát động, triển khai các phong trào thi đua, trên cơ sở chủ động gắn kết với các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa của đất nước và ngày truyền thống, ngày kỷ niệm hoặc sự kiện lớn của tỉnh, của ngành, địa phương, đơn vị; do đó, đã tập hợp đông đảo các lực lượng hưởng ứng, tham gia.
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo cấp ủy các cấp tích cực tổ chức các phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Từ đó, đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy dân chủ trong Đảng, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, bảo đảm kỷ cương, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, 100% đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và tương đương đã tiến hành kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm điểm và chỉ ra 13 hạn chế, khuyết điểm. Đến nay, đã kịp thời sửa chữa, cơ bản khắc phục được các hạn chế, khuyết điểm.
Việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác được đẩy mạnh; đến nay, toàn tỉnh có hơn 1777 mô hình, điển hình tiêu biểu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức gặp mặt, biểu dương tạo sự lan tỏa và nhân rộng trong các tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, 02 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đã có 38 tập thể, 39 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, 01 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 01 tập thể và 03 cá nhân được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen và hàng trăm tác phẩm của các tác giả trong tỉnh sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, giai đoạn 2014 - 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phát động 13 phong trào thi đua chuyên đề để thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2020. Phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI”. Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công vụ” giai đoạn 2016 – 2020 được đẩy mạnh. Nhiều thủ tục hành chính giải quyết nhanh, công khai, minh bạch, giảm nhanh và tiến tới xóa bỏ khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, góp phần đổi mới về phương thức, lề lối làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo lập môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, văn minh, hiện đại, công khai minh bạch, giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016 – 2020 đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 63 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới bằng 32,98% tổng số xã, đứng thứ nhất so với 6 tỉnh Tây Bắc, đứng thứ 3 so với 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; thành phố Hòa Bình là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chí hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về trước 2 năm so với kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2019, huyện Lương Sơn hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh sẽ có 77 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 40,3% tổng số xã trên địa bàn tỉnh, đạt chỉ tiêu trước một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 10,6 tiêu chí/xã so với năm 2011.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được thực hiện thường xuyên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các mô hình giảm nghèo được nhân rộng tại các địa phương. Toàn tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1.389.442 người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người sống ở vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và một số các đối tượng khác với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 744.865 triệu đồng. Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh số kinh phí là 3.128 triệu đồng. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 14,9%, 31.947 hộ nghèo/214.442 hộ, giảm 3,1% so với năm 2017.
Công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, tỷ lệ khen thưởng hướng tới người lao động trực tiếp, gương người tốt, việc tốt ngày càng được nâng lên. Thực hiện quy trình bình xét, cho ý kiến khen thưởng thực hiện chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, công khai và khách quan. Thành lập và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động cụm, khối thi đua của tỉnh và các cụm, khối thi đua do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức, quản lý15 . Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng: Quy định về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị làm cơ đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Quy định tỷ lệ % khen thưởng các danh hiệu thi đua và quy định tiêu chuẩn bổ sung đối với cán bộ lãnh đạo quản lý; quy định tỷ lệ % số phiếu đồng ý trên tổng số thành viên hội đồng xét, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng các cấp trong hướng dẫn và Quy chế thi đua, khen thưởng của tỉnh.
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 18/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo động lực thúc đẩy các hoạt động học tập, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện; quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kinh tế- xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Thi đua, khen thưởng thực sự là biện pháp quan trọng để tổ chức, vận động, tập hợp quần chúng. Các phong trào thi đua đã được triển khai rộng khắp, sôi nổi, liên tục, trên mọi lĩnh vực và được đông đảo quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia. Chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp từng bước được nâng cao. Công tác phối hợp giữa cơ quan thường trực làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin đại chúng được thực hiện tốt, góp phần tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khen thưởng thường xuyên, chuyên đề và đột xuất chặt chẽ, nề nếp, đúng quy định, gắn với kết quả thực hiện phong trào thi đua yêu nước.