Đình Lập, xóm Lập, xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn (nay là xã Lập Chiệng, huyện Kim Bôi), từ ngày 21-25 tháng 5 năm 1948 tại nơi đây đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ I. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, mang giá trị lịch sử văn hóa to lớn, là mốc son chói lọi đánh dấu dự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ cách mạng kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình vẫn sống trong ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ nhà Lang. Lúc này nhân dân các thị trấn, thị xã, nhất là nông dân lao động các dân tộc là lực lượng cách mạng to lớn, với truyền thống yêu quê hương đất nước, khát vọng độc lập tự do là cơ sở gắn bó nhân dân với cách mạng.
Trong quá trình vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 của cách mạng Việt Nam, ở xã Lập Chiệng, dưới sự điều hành, tổ chức của đoàn cán bộ Việt Minh châu Lương Sơn, trong thời gian ngắn xã đã hình thành được các đoàn thể cách mạng: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Tháng 8/1945, Đình Lập là nơi tập kết của đội Việt Minh châu Lương Sơn đi cướp chính quyền tổng Kim Bôi. Sau đó, đội Việt Minh cùng đông đảo nhân dân xuống từng xóm, vào từng nhà hào lý tịch thu tài sản, sổ sách, bằng sắc, giấy tờ....giải phóng nhân dân xã Lập Chiệng khỏi chế độ lang đạo hà khắc. Sau đó, nhân dân xã Lập Chiệng thay nhau làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự xóm làng, bảo vệ thành quả cách mạng.
Tháng 7/1947, đình Lập Chiệng là nơi đón tiếp đặc phái đoàn Trung ương về kinh lý tỉnh Hòa Bình do đồng chí Hoàng Quốc Việt, UV TƯ Đảng dẫn đầu.
Đầu năm 1948, thực dân Pháp tăng cường đối phó với những hoạt động mạnh của bộ đội, quân dân Hòa Bình. Song song với những hoạt động về quân sự, thực dân Pháp cũng ráo riết thực hiện các thủ đoạn chính trị bịp bợm. Trong khi đánh chiếm, bình định, chúng truyền đơn, rêu rao là “Quân đội Pháp chỉ đánh Việt Minh, không đánh người Mường”, “quân đội Pháp giúp người Mường thoát khỏi họa cộng sản”.....chúng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, chia rẽ đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc Hòa Bình đang có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp như vậy. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy II, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, tại đình làng Lập, xã Hạ Bì thuộc khu căn cứ của tỉnh ở huyện Lương Sơn.
Đại hội đã triệu tập 120 đại biểu đại diện cho 333 đảng viên ở 37 chi bộ trong toàn Đảng bộ về dự. Đại hội được đón tiếp đại biểu đại diện một số cơ sở đảng ở khu vực Đà Bắc và đặc biệt có đại biểu ở Liên khu ủy III về dự và chỉ đạo đại hội.
Đại hội Đảng bộ lần thứ I đã thảo luận báo cáo về Đề án của Tỉnh ủy về các mặt công tác; bầu BCH Đảng bộ khóa I; cử đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Liên khu III. Đại hội đã giành 3 ngày (22,23,24/5) để thảo luận báo cáo dự thảo nhận định tình hình trong tỉnh và phương hướng kế hoạch công tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng bộ do đồng chí Đào An Thái- Bí thư Tỉnh ủy trình bày.
Sáng ngày 25/5/1948, Đại hội tiến hành bầu BCH Đảng bộ khóa I gồm 11 đồng chí.
Chiều ngày 25/5/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ I bế mạc và thành công tốt đẹp. Đại hội có ý nghĩa hết sức to lớn, đó là đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở Hòa Bình lên đỉnh cao, tập trung nguồn lực của quân dân trong tỉnh phá âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” của giặc Pháp ở Hòa Bình. Trong bối cảnh tình hình kháng chiến ở các địa phương diễn biến phức tạp, khó khăn, Đại hội đã phân tích, đánh giá, nhận định tình hình địch, ta đúng đắn, dự báo tốt những khả năng có thể xảy ra. Trên cơ sở đó củng cố quyết tâm kháng chiến, đề ra phương hướng nhiệm vụ sát thực, động viên toàn đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh thống nhất ý chí hành động, từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy lùi từng bước, phá vỡ từng âm mưu kế hoạch tấn công của địch, đưa phong trào kháng chiến của địa phương tiến lên, làm sụp đổ hoàn toàn âm mưu “Xứ Mường tự trị” của giặc Pháp ở Hòa Bình.
Từ năm 1957-1958, đình Lập là trụ sở của cơ quan Đảng, chính quyền xã Lập Chiệng. Đây là nơi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lập Chiệng tiễn chân hàng trăm con em trong xã lên đường nhập ngũ đánh giặc, góp phần làm nên danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước trao tặng cho xã Lập Chiệng vào năm 1998.
Theo lời kể của các cụ cao niên am hiểu về di tích trên địa bàn cho biết: Đình Lập được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, nguyên liệu chủ yếu bằng gỗ với kiến trúc hình chữ nhất (-) gồm 1 gian, 2 chái, phía trong có 1 ban thờ lửng được gọi là Cung Sở. Trên Cung Sở được đặt 2 ngai thờ Thành hoàng làng là Ông Mới và Bà Nánh và bài trí một số đồ thờ tự khác.
Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử cùng với sự tàn phá của chiến tranh, đình Lập đã bị hư hỏng. đến năm 2008 được sự đồng ý của UBND huyện Kim Bôi đã cho phép xây dựng Nhà truyền thống trên khuôn viên đất của đình Lập xưa.
Hiện nay tại nhà truyền thống cách mạng xã Lập Chiệng là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Lập Chiệng trong thời gian xây dựng Chủ nghĩa xã hội- chống Mỹ cứu nước và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đặc biệt nơi đây còn được nhân dân tổ chức lễ hội đình Lập Chiệng vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm./.