Không quy định công chứng viên công chứng bản dịch
Đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Công chứng (sửa đổi), ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 5 điều; bổ sung 1 điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 1 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).
Nêu quan điểm cá nhân về văn phòng công chứng tại Điều 20, ĐBQH Đặng Bích Ngọc hoàn toàn đồng tình với Phương án 1, đại biểu cho biết: Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Lý giải lựa chọn này, đại biểu cho biết, phương án này vừa bảo đảm kế thừa quy định hiện hành về loại hình tổ chức của văn phòng công chứng; hạn chế sự bùng nổ ồ ạt khó kiểm soát chất lượng của các văn phòng công chứng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển văn phòng công chứng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, hải đảo được tiếp cận với dịch vụ công chứng mà không phải đi xa.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục, quy trình công chứng bản dịch, dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn không thống nhất giữa các văn phòng công chứng. Vì vậy, đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật theo hướng không quy định công chứng viên công chứng bản dịch mà chỉ quy định chứng thực chữ ký người dịch. Điều này để khắc phục những bất cập thực tiễn nhiều công chứng viên từ chối thực hiện công chứng bản dịch do không đủ trình độ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản, tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch gây quá tải. Do vậy, nếu đáp ứng quy định này sẽ bảo đảm tính khả thi phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho người dân khi có nhu cầu chứng thực bản dịch.
Về các loại giao dịch phải công chứng, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng để tránh trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp... Bởi, phương án này sẽ tạo sự linh hoạt hơn cho việc sửa đổi quy định về giao dịch phải công chứng tại các văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính ổn định của Luật Công chứng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch công chứng.
Quy định về công chứng điện tử phải đồng bộ với các quy định pháp luật
Công chứng điện tử hiện nay đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại chuyển đổi số. Sự phát triển của công chứng điện tử không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn đóng góp vào quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch điện tử.
Cơ bản nhất trí với các quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc dự thảo luật quy định theo hướng chỉ thực hiện công chứng điện tử đối với các giao dịch đơn giản, không áp dụng với các giao dịch bất động sản và thừa kế là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để các quy định về công chứng điện tử phải đồng bộ với các quy định pháp luật khác (như Luật Giao dịch điện tử; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật An ninh mạng; Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hình sự).
“Việc đồng bộ các quy định pháp luật khác nhau với công chứng điện tử là một bước quan trọng để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số và giúp công chứng điện tử trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống pháp lý. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp, và các bên liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai các quy định pháp luật phù hợp”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.
Bổ sung quy định xử lý khi bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không đủ chi trả
Để sửa đổi và hoàn thiện các quy định liên quan để bảo đảm việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên được thực hiện nghiêm túc, công bằng và bảo vệ tối đa quyền lợi của các bên liên quan, dự thảo lần này đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; bổ sung cơ chế giám sát việc tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, nếu mức bồi thường từ bảo hiểm không đủ để chi trả cho toàn bộ thiệt hại của khách hàng, Luật Công chứng chưa quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng trong các trường hợp này. Điều này gây khó khăn cho khách hàng khi đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, cần bổ sung quy định về xử lý khi bảo hiểm không đủ chi trả theo hướng quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp số tiền bồi thường từ bảo hiểm không đủ chi trả cho thiệt hại của khách hàng. Điều này có thể bao gồm trách nhiệm liên đới của các công chứng viên hoặc việc sử dụng quỹ dự phòng của văn phòng công chứng để bù đắp./.