DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” tại Sở Giao thông vận tải

15/03/2024 16:12
Ngày 15/3, tại Sở Giao thông vận tải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (ĐBQH) gồm các ông, bà: Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đã có buổi giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Cùng tham gia đoàn có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện các sở, ngành chức năng.
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi giám sát

Trong giai đoạn 2009 – 2023, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định và giữ vững, tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được quan tâm, có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành với nhiều hình thức đa dang, phong phú, nội dung thiết thực, góp phần làm chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm đầu tư; đã tập trung các nguồn vốn để bảo dưỡng, khắc phục và xây dựng mới hạ tầng giao thông. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, trật tự kỷ cương về an toàn giao thông được thiết lập, công tác xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm minh, có tác dụng răn đe cao; công tác đăng kiểm phương tiện, quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được kiểm soát tốt. Công tác quản lý kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đi vào trật tự. Việc triển khai các chính sách, pháp luật về giao thông đường bộ đã được các sở, ngành, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai kịp thời, nhanh chóng, qua đó đã làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Từ năm 2009 - 2023, Công an tỉnh đã thực hiện đăng ký cho 23.265 xe ô tô, 307.117 xe mô tô, 26.473 xe máy điện. Đã phát hiện, lập biên bản xử lý 265.704 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp ngân sách nhà nước 225,4 tỷ đồng; tạm giữ: 48.683 phương tiện các loại; tước GPLX: 18.210 trường hợp. Từ tháng 7/2009 đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.814 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.304 người, bị thương 1.478 người. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã thụ lý, giải quyết 1.814 vụ; khởi tố 418 vụ, 392 bị can; xử lý hành chính 1.396 vụ. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố đã phối hợp với ngành Giao thông vận tải, các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức rà soát kiến nghị 02 điểm đen, 08 điểm tiềm ẩn, 04 điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông; đã kiến nghị tổng số 18 kiến nghị, đã khắc phục 09; phối hợp giải tỏa 95 điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông... Đã xây dựng mới 28 mô hình Nhân dân tự quản về TTATGT, vận động 66 doanh nghiệp, 10 nhà máy, 25 mỏ vật liệu xây dựng, 105 chủ kho, bến bãi, 2.058 cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe. Tổ chức tuyên truyền Luật giao thông 1.258 buổi tại các trường học và khu dân cư với khoảng 251.600 người dự nghe, phát 60.000 tờ rơi tuyên truyền, tặng 650 mũ bảo hiểm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, trên địa bàn tỉnh trật tự, kỷ cương của hoạt động giao thông vận tải đường thủy được thiết lập ổn định. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa của người dân được cải thiện. Theo số liệu điều tra cơ bản, số phương tiện thủy đang hoạt trên các tuyến sông là 936 phương tiện các loại. Công tác quản lý TTATGT trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2015 đến 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 02 vụ TNGT đường thủy nội địa, làm 03 người chết, 01 người bị thương. Công an tỉnh phát hiện lập biên bản 1.598 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước 3,3 tỷ đồng; Sở Giao thông vận tải đãphát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy nội địa với 31 vụ; số tiền vi phạm: 340.000.000 đồng.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những khó khăn hạn chế như: Tuy tai nạn giao thông đều giảm qua các năm, những vẫn chưa bền vững; tình hình TTATGT - trật tự xã hội trên đường thủy diễn biến khá phức tạp; tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường thuỷ nội địa vẫn diễn ra; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thực sự đổi mới; nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn hẹp; công tác phối hợp chưa thật sự chặt chẽ; công tác kiểm soát tải trọng còn gặp nhiều khó khăn; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn thiếu, lực lượng tuần tra, kiểm soát còn mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm do đó ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng một số công trình giao thông. Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng quá tải tại các bãi tạm giữ, trụ sở các đơn vị thuộc Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố diễn ra phổ biến, nhất là từ khi lực lượng Cảnh sát giao thông đẩy mạnh việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn...

Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch  Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá những khó khăn bất cập trong công tác đảm bảo an toàn giao thông

Kiến nghị với Đoàn, tỉnh đề xuất, kiến nghị với Quốc hội về sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong công tác quản lý; triển khai thực hiện quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; hoạt động vận tải. Đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí hoàn thành kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; nâng cấp các tuyến đường giao thông; bổ sung các chế tài xử phạt; xem xét sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung biên chế làm cơ sở cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý đường thuỷ nội địa…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, trưởng đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh nói chung, các cấp, ngành địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Đồng chí trưởng đoàn chia sẻ những khó khăn, bất cập và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị làm cơ sở báo cáo Quốc hội và các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết, sửa đổi cho phù hợp. Đồng chí trưởng đoàn khảo sát đề nghị rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo để Đoàn tổng hợp báo cáo cấp trên theo quy định. Thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên cả đường bộ và đường thủy. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nân thức cho người dân trong việc chấp hành các chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…/.