Khơi thông nguồn lực tăng thu ngân sách
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đa số các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả rất tích cực. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà đề xuất, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về những khó khăn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh trong nước và vấn đề nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường hiện nay để có giải pháp hữu hiệu hơn thời gian tới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thậm chí có xu hướng thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân do các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu và công tác chuẩn bị đầu tư. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải chuẩn bị kĩ càng công tác chuẩn bị đầu tư thì sẽ giải quyết được điểm nghẽn này.
Liên quan đến dự toán ngân sách Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà lưu ý, hiện nay, việc phân bổ tăng thu ngân sách từ 2021 - 2023 chưa thực hiện phân bổ xong. Nếu khơi thông được nguồn lực này tốt hơn sẽ kích thích cho tăng trưởng và hỗ trợ cho doanh nghiệp khi thực hiện.
Đối với vấn đề tiết kiệm chống lãng phí, việc chưa phân bổ ngân sách hàng năm là quá lớn. Đại biểu đề xuất, những nội dung nào đủ điều kiện thì có thể phân bổ, còn nội dung khác chưa đủ điều kiện thì sẽ đưa vào dự phòng, điều chỉnh, bổ sung thêm. Trong trường hợp chưa phân bổ lại thì bội chi ngân sách nên điều chỉnh lại để dành nguồn lực lớn hơn cho việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia. Mặt khác, cần thực hiện cắt giảm tiết kiệm chi hàng năm ngay từ đầu vì hiện tại thủ tục điều chỉnh tiết kiệm chi kéo dài rất nhiều, gây bị động trong quá trình triển khai ở các bộ, ngành địa phương…/.