DetailController

CNTT và Viễn Thông

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh

07/08/2024 17:20
Ngay từ đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã được nâng lên rõ rệt. Mô hình xã nông thôn mới thông minh đã tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, có thể giúp tối ưu hoá hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Tỉnh triển khai công tác truyền thông về chương trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đa dạng hoá các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: các cổng thông tin điện tử (Website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới như phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn, phần mềm hỗ trợ công tác công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Mô hình xây dựng xã nông thôn mới thông minh, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới được thực hiện tại xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ. Mô hình xây dựng, tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện chương trình nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính Nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan Nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 162 điểm cầu được duy trì hoạt động ổn định, trong đó có 01 điểm cầu trung tâm đặt tại Văn phòng UBND tỉnh; 10 điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố; 151 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hoạt động hiệu quả, đảm bảo thông tin liên lạc, chất lượng âm thanh, hình ảnh rõ nét, tổ chức các cuộc họp nhanh, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cũng đã triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của ngành như Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh là trên 13.000 tài khoản. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 50%. Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://hoabinh.gov.vn gồm 01 Cổng chính và 181 Trang thông tin điện tử thành viên (20 sở, ban, ngành; 10 UBND cấp huyện và 151 xã, phường, thị trấn). Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử thành phần thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực kinh tế. Kinh tế số nông nghiệp nông thôn tiếp tục duy trì phát triển nhanh và bền vững trên sàn thương mại điện tử Portmart.vn và Voso.vn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 114/129 xã có hợp tác xã đạt 88,4%. Các hợp tác xã trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản phẩm và truy suất nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực của xã đã được kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội zalo, facebook, postmart. Việc phát triển kinh tế số đã dần thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc. Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên toàn mạng đạt trên 800 nghìn thuê bao, tỷ lệ máy điện thoại sấp sỉ đạt 100 máy/100 dân. Số lượng thuê bao Internet ước đạt trên 600 nghìn thuê bao; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 71%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 54%; thuê bao truyền hình IPTV, truyền hình cáp (tương tự + số) đạt trên 48 nghìn thuê bao. 100% các trường học trên địa bàn xã đã trang bị nền tảng học trực tuyến để phục vụ công tác dạy và học trên môi trường mạng. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã triển khai bệnh án điện tử tiến tới thay thế hoàn toàn bệnh án giấy và hướng tới xây dựng Bệnh viện thông minh. Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý vận hành để phục vụ mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với 04 thành phần gồm Cổng Du lịch thông minh với tên miền https://hoabinhtourism.vn/; ứng dụng Du lịch Hòa Bình trên thiết bị di động (APP Hoabinh Tourism); tạo lập CSDL về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch và kết nối liên thông giữa cơ quan nhà nước về du lịch với doanh nghiệp du lịch; Hệ thống Wifi công cộng tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

Những tháng cuối năm 2024, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Đa dạng hoá các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của địa phương, tờ rơi, tài liệu. Tăng cường áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường cải cách hành chính gắn với chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý điều hành, đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh quá trình số hoá, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, thực hiện quản lý thông tin HTX, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tăng cường ứng dụng trực tuyến trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội, môi trường. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư nông thôn./.