Cùng với mô hình TLGTQ, mô hình ổ nhà, dòng họ tự quản (DHTQ) về ANTT cũng là một trong những mô hình điểm của tỉnh, được Bộ Công an đánh giá cao. Như ở xã Pà Cò (Mai Châu) trước đây, khi chưa có mô hình DHTQ về ANTT, tình hình TTATXH, tai, tệ nạn xã hội (TNXH) còn diễn biến phức tạp. Tội phạm, tệ nạn ma túy, tảo hôn, các hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn bủa vây đời sống người dân. Sau khi triển khai mô hình DHTQ về ANTT, từ năm 2007 đến nay, tình hình tội phạm, TNXH trên địa bàn xã cơ bản được kiềm chế, các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi... Các DHTQ tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình, con cháu xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Thiếu tá Vàng A Nhà, Trưởng Công an xã Pà Cò cho biết: Từ khi được tuyên truyền, người dân đã chấp hành các quy định, tự nguyện bãi bỏ một số hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang... Tình hình ANCT - TTATXH được giữ vững, ổn định. Còn ở Hang Kia, theo thượng úy Vàng A Hua, Trưởng Công an xã, thành công lớn nhất của mô hình DHTQ về ANTT là việc lực lượng Công an xã và các dòng họ đã có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Thông qua đó, Nhân dân chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về ANTT, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, không tin và nghe theo các luận điệu tuyên truyền của đối tượng xấu; vận động con cháu không tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật; vận động các gia đình trong dòng họ cho trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; không tham gia khai thác lâm sản trái phép; đoàn kết, tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giải quyết tốt các mâu thuẫn trong dòng họ. Nổi bật, các dòng họ ở xã Hang Kia đã phối hợp lực lượng Công an, ngành chức năng địa phương vận động thành công 20 người nghiện ma tuý đến trạm y tế xã kiểm tra, xác định tình trạng nghiện, qua đó lập hồ sơ quản lý người nghiện, hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc theo quy định..., góp phần kiềm chế phát sinh tội phạm, TNXH trên địa bàn.
Thượng tá Vũ Cao Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ: Để có được những kết quả đó, những năm qua, lực lượng Công an tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”. Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, toàn lực lượng đã tổ chức được 302 hội nghị "Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Bên cạnh đó, với vai trò của mình, lực lượng Công an đã củng cố niềm tin trong Nhân dân bằng việc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả. Trong 7 tháng năm nay, lực lượng Công an trong toàn tỉnh đã điều tra, khám phá 349/374 vụ phạm pháp hình sự, đạt 93,32%. Trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, việc bố trí, đưa lực lượng Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã trở thành nòng cốt, điểm tựa để xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân. Tiếp tục duy trì tốt 5 dạng mô hình với 118 mô hình tiêu biểu, 4.788 dạng mô hình theo hướng tự phòng, tự quản, tự hòa giải và giải quyết những vấn đề về ANTT ngay từ cơ sở. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có 119/129 xã, chiếm 92,2% đạt tiêu chí xã an toàn về ANTT và đảm bảo bình yên; 1.482 thôn, xóm, khu dân cư, 139 xã, thị trấn, 12 phường, 355 cơ quan, 217 doanh nghiệp và 466 trường học đăng ký thực hiện tiêu chuẩn an toàn về ANTT năm 2021... Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định về ANCT - TTATXH, củng cố thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua.