Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhằm xóa đói, giảm nghèo, nhất là nông dân vùng nông thôn, miền núi. Thực tế, những người XKLĐ đã có của ăn, của để. Nhưng, ở Hòa Bình, Cty Cổ phần (CTCP) Prosimex (Bộ Công thương), đã đẩy hơn 150 nông dân nghèo ở 2 huyện Đà Bắc, Cao Phong trở thành những con nợ khó đòi của ngân hàng (NH) chính sách xã hội (CSXH).
Kẻ đi "chiếu rách"…
Trên 150 người được CTCP Prosimex thông báo đã "trúng tuyển" (đầu năm 2007) đi XKLĐ tại thị trường Malaysia đều là nông dân nghèo, thậm chí rất nghèo. Họ là đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mường đang sinh sống tại các xã vùng cao, vùng sâu thuộc 2 huyện miền núi Cao Phong, Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Trong số 150 lao động, hơn 110 người đã được bay đến Malaysia. Số còn lại đã hơn 3 năm nay vẫn nằm ở nhà trả tiền lãi NH chờ… bay.
Ông Vũ Thế Dũng, Trưởng Công an xã Thu Phong (Cao Phong) cho biết: "Khi về xã tuyển lao động, họ (CTCP Prosimex) nói như "rót mật vào tai". Nào là mức lương, điều kiện lao động, điều kiện sống, sinh hoạt… đều tốt. Vì thế, người dân trong xã rất háo hức đăng ký đi. Nay, người được đi khi trở về "chiếu rách". Người chưa đi, ở lại "chiếu manh". Tất cả đều không thể trả được số tiền đã vay NHCSXH nộp cho CTCP Prosimex, trở thành những con nợ khó đòi của NH".
Chị Bùi Thị Thon, xóm Đồng Mới mời khách vào nhà với nét mặt ngượng ngùng vì trong nhà chỉ có mỗi chiếc giường tre ọp ẹp như chực gẫy khi 4 người cả chủ lẫn khách ngồi lên. Ngày 4/1/2007, chị Thon cùng 6 chị em trong xóm "bay" sang Malaysia. Cả 6 người được vào làm việc (lắp ráp điện tử) tại Nhà máy VISTAPOINT. Trong hợp đồng lao động ghi mức lương là 3 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần. Nhưng thực tế phải làm việc 12 giờ/ngày, 5 tháng đầu được nhà máy trả đủ lương (3 triệu đồng/tháng). Từ tháng thứ 6 trở đi, chỉ trả 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền sinh hoạt hàng tháng, dù tiết kiệm cũng hết gần 2 triệu đồng/tháng, nhà máy còn trừ 45 USD tiền vay xuất cảnh. Tính ra, càng ở càng xâm tiêu, làm không đủ chi. Thấy công nhân kêu ca, lãnh đạo nhà máy bảo, ai tìm được chỗ khác làm thì đi.
Nếu muốn về thì viết đơn cam kết với lý do là: Không đủ sức khỏe để làm việc và không được kiện Cty môi giới (CTCP Prosimex) và nhà máy. Vậy là, 6 chị em trong xóm "ngậm bồ hòn làm ngọt", viết đơn xin về nước vì "sức khỏe yếu". Ngày 3/1/2008, 6 chị em và hàng chục người khác trong huyện bay về nước. Khi lên máy bay, trong túi chị không còn lấy vài trăm nghìn đồng để mua tấm bánh cho bố mẹ già và đứa em tàn tật.
Nếu muốn về thì viết đơn cam kết với lý do là: Không đủ sức khỏe để làm việc và không được kiện Cty môi giới (CTCP Prosimex) và nhà máy. Vậy là, 6 chị em trong xóm "ngậm bồ hòn làm ngọt", viết đơn xin về nước vì "sức khỏe yếu". Ngày 3/1/2008, 6 chị em và hàng chục người khác trong huyện bay về nước. Khi lên máy bay, trong túi chị không còn lấy vài trăm nghìn đồng để mua tấm bánh cho bố mẹ già và đứa em tàn tật.
Gia cảnh của các chị Bùi thị Nga, Bùi Thị Thảo, Bùi Thị Diền… còn khổ hơn chị Bùi Thị Thon. Các chị đều ở độ tuổi 24 - 25, vì nhà ngèo nên phải nghỉ học từ năm lớp 5, lớp 6, có chị mới học hết lớp 4. Ở nhà, các chị đi làm thuê kiếm từng đồng bạc nuôi bố mẹ, em nhỏ. Nhiều chị, bố mẹ bệnh tật, đau ốm quanh năm, sống trong ngôi nhà như túp lều canh nương, chăn chiếu chẳng lành lặn mà nằm. Các xã trong huyện Cao Phong như Tân Phong, Dũng Phong, Xuân Phong, Yên Lập… đều có người đi XKLĐ "ôm nợ" trở về quê.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo XKLĐ huyện Cao Phong, trên địa bàn huyện có 120 người đi XKLĐ tại Malaysia đầu năm 2007. Một năm sau (đầu năm 2008) phải phá hợp đồng lao động về nước. Tất cả số người trên đều còn nợ NHCSXH huyện 20 triệu đồng/người. Nay đã quá hạn trả nợ. Họ đã nghèo, nay lại càng nghèo khó hơn.
… Người ở lại "chiếu manh"
Ngôi nhà của vợ chồng anh chị Bùi Văn Nguyên, Bùi Thị Hương, xóm Nau, xã Thu Phong nép mình vào vách núi. Ngôi nhà tuềnh toàng, hoàn cảnh nghèo túng đến mức không thể hình dung nổi nếu không mắt thấy, tai nghe; vách nứa thông thống gió lùa; không bàn, ghế; giường nằm là mấy tấm ván bắp đã mọt kê bằng cây bương; chăn màn vắt trên vách nứa… Vì quá nghèo, anh Nguyên đã đồng ý cho vợ đi XKLĐ sang Malaysia. Sau thời gian đi học tập định hướng, khám sức khỏe, cuối năm 2007, chị được CTCP Prosimex thông báo "đã trúng tuyển". Tiếp đó là thủ tục đến NHCSXH làm thủ tục vay vốn (20 triệu đồng) để nộp vào Cty Prosimex. Các thủ tục vay tiền rất chóng vánh. Vì người vay chỉ việc… ký vào giấy tờ đã viết sẵn. Nộp tiền rồi ngày đêm thấp thỏm đợi ngày bay sang Malaysia. Nay đã hơn 3 năm, món nợ 20 triệu đồng đã đến hạn trả mà chẳng thấy giấy báo bay. Căn nhà thì ngày càng dột nát. "Ở trong nhà, nhìn qua vách thấy các anh, em tưởng cán bộ NH đến đòi nợ, em định chạy trốn ra sau nhà nấp", chị Hương thật lòng.
Đến nhà anh Bùi Văn Mạnh, xã Xuân Phong (Cao Phong) đúng lúc anh đi làm nương về. Biết PV tới hỏi chuyện về món nợ vay NHCSXH để đi XKLĐ tại Malaysia, anh buồn bã kể: "Chúng em bị Cty Prosimex lừa rồi. Họ (Cty Prosimex) lừa giỏi quá. Giỏi đến mức mà cán bộ huyện, xã, nhất là cán bộ NH đều tin. Bây giờ không biết "ông" Prosimex ở đâu mà tìm. Họ (Prosimex) trốn được chúng em, nhưng chúng em có trốn được NHCSXH đâu". Anh Bùi Văn Nhiệt, người cùng cảnh ngộ với anh Mạnh tiếp lời: "Vốn NH không được vay nữa vì món nợ 20 triệu đồng đã quá hạn không trả. Chúng em mong cơ quan pháp luật vào cuộc để sớm lấy lại tiền cho chúng em trả nợ".
Được biết, trên địa bàn huyện Cao Phong hiện có 17 trường hợp, Đà Bắc có 22 trường hợp và Tân Lạc có 1 trường hợp đã vay vốn NHCSXH nộp cho CTCP Prosimex với tổng số tiền trên 611 triệu đồng, nhưng hơn 3 năm nay vẫn không được đi XKLĐ. Tìm hiểu, PV được biết, cùng trong 1 địa bàn, cùng thị trường lao động Malaysia, nhưng mức thu tiền của Cty Prosimex lại khác nhau. Tại Cao Phong, mức thu có người 13 triệu đồng, có người 20 triệu đồng. Tại Đà Bắc mức thu 12 triệu đồng, cao nhất là 15 triệu đồng/người. Ở Đà Bắc, đối tượng vay vốn được nhận tiền từ NHCSXH rồi đem trực tiếp nộp cho Cty Prosimex. Ngược lại, ở Cao Phong, đối tượng vay vốn chỉ ký giấy vay và ký giấy ủy quyền, còn việc chuyển tiền do NHCSXH huyện chuyển trực tiếp cho Cty Prosimex. Thủ tục rất thông thoáng, nhanh nên… nay, người vay vốn không biết kêu ai.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Đinh Văn Duẩn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cao Phong cho biết: Từ năm 2009 đến nay, Ban Chỉ đạo XKLĐ huyện đã có nhiều công văn gửi CTCP Prosimex, nhưng không có hồi âm. Gọi điện theo số điện thoại của Cty ghi trong các văn bản làm việc cũng không có người nghe. UBND huyện tiếp tục bằng mọi biện pháp phải tìm được Cty Prosimex để khắc phục hậu quả do Cty gây ra.