DetailController

Quốc phòng - An ninh

Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

28/08/2019 00:00
Tính đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 221.159 trẻ. Trong đó, nam: 115.160 trẻ em, nữ: 105.999 trẻ em. Trong những năm gần đây, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước. UBND tỉnh và các ngành chức năng, các cơ quan thông tin truyền thông báo chí đã có những chương trình hành động cụ thể để ngăn ngừa, đấu tranh, giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên đến nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn có những diễn biến phức tạp; công tác bảo vệ trẻ em còn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.
Huyện Lương Sơn tổ chức nói chuyện chuyên đề tuyên truyền về phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em

Trong năm 2015, 2016, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo 10 nhóm trẻ được quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã có chiều hướng giảm; tuy nhiên, trong các 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, căn cứ theo quy định mới nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tăng lên 14 nhóm thì số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, mưa bão gây sạt lở, ngập lụt đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống an toàn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, vật chất của nhiều hộ gia đình nên đây cũng là một trong những nguyên nhân làm số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng tăng.

Từ 01/01/2015 đến 30/6/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 94 vụ, 96 trẻ em là nạn nhân; 103 đối tượng xâm hại trẻ em. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình đang có diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, đối tượng phạm tội rất đa dạng, nhưng chủ yếu là những người quen biết, hàng xóm của trẻ em, thậm chí là người ruột thịt, người thân thích trong gia đình. Hậu quả gây ra do các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự suy đồi xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội. Không chỉ gây đau đớn, thương tật về thể xác, việc xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc trẻ em tự tử.

Từ năm 2016 đến nay, khi Luật Trẻ em ra đời, pháp luật về bảo vệ trẻ em có quy định cụ thể về cơ chế tiếp nhận thông tin, có các quy định về bảo vệ, bảo mật cho người cung cấp thông tin, tố cáo và khi dịch vụ công tiếp nhận, xử lý thông tin được phổ biến rộng rãi và đặc biệt khi nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em được nâng cao thì thông tin, tố cáo, tố giác về bạo lực trẻ em và xâm hại trẻ em được người dân từ chỗ không muốn hoặc không dám tố giác, tố cáo thì khi nhận thức đã thay đổi và được bảo vệ. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân các vụ xâm hại trẻ em đã được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, nâng cao kiến thức và giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, nâng cao ý thức cảnh giác của các bậc cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ từ đó bảo vệ con em mình đối với các hành vi, thủ đoạn lừa gạt, xâm hại, mua bán trẻ em. Các lực lượng chức năng đã chủ động nắm chắc tình hình tại các địa bàn, khu vực phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh; các vụ việc xảy ra đều nhanh chóng điều tra, giải quyết, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Tòa án đã xét xử 86 vụ/91 bị can xâm hại trẻ em.

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 20/10/2017 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em mục tiêu cụ thể hướng tới bao gồm: Hàng năm giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị bạo lực, xâm hại. 90% trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, phòng ngừa, giảm đếm mức thấp nhất trẻ em bị bạo lực, xâm hại. 100% trẻ em được giáo dục kỹ năng sống trong các chương trình sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa của các nhà trường. 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, trợ giúp chăm sóc, phục hồi tâm lý tại cộng đồng và tư vấn thích hợp. 100% các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn đều được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh, tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và phát triển các thiết chế văn hóa thể thao dành cho trẻ em...

Trong thời gian tới, dự báo tình hình xâm hại trẻ em tỉnh Hoà Bình sẽ không giảm số lượng thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em do nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em đã có chuyển biến. Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em cũng như quy định cụ thể biện pháp, trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ và hỗ trợ, can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị xâm hại. Các cơ quan chức năng, các dịch vụ về bảo vệ trẻ em và chính quyền địa phương triển khai việc kết nối, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như xử lý các đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em kịp thời hơn./.