Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10 tới, theo Thông tư 13, danh mục dịch vụ cung cấp trên Mạng chuyên dùng ngoài dịch vụ hội nghị truyền hình, còn có các dịch vụ truyền số liệu và thuê kênh riêng sử dụng công nghệ kết nối mạng riêng ảo (VPN) gồm Intranet IP/MPLS VPN, Extranet IP/MPLS VPN, Internet IP/MPLS VNP, IP VPN truy nhập từ xa, VPN liên kết giữa các nhà cung cấp; cùng 6 dịch vụ giá trị gia tăng gồm truy nhập Internet, trung tâm dữ liệu, cho thuê chỗ trên máy chủ mạng, máy chủ mạng, máy chủ thư điện tử, thoại VoIP.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước là mạng truyền dẫn tốc độ cao, sử dụng phương thức chuyển mạch nhãn đa giao thức trên nền giao thức liên mạng (IP/MPLS) sử dụng riêng trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan Đảng và Nhà nước, do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng, vận hành. Đơn vị sử dụng Mạng chuyên dùng là các cơ quan thuộc hệ thống chính trị tại Trung ương và địa phương có điểm kết nối vào Mạng.
Việc vận quản lý, vận hành Mạng chuyên dùng phải đảm bảo khai thác hiệu quả tài nguyên mạng máy tính và nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Mạng được quản lý, vận hành tập trung, thống nhất; được rà soát kiểm tra, đánh giá định kỳ để bảo đảm an toàn, bảo mật và tính sẵn sàng cao trong quá trình vận hành và sử dụng. Đặc biệt, với đặc thù của mình, mạng chuyên dùng phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt liên tục 24 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần.
Trong thông tư này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo VNPT phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn mạng và thông tin trên Mạng chuyên dùng. Nhiệm vụ của VNPT là ban hành quy chế bảo vệ an toàn mạng và thông tin được truyền tải trên Mạng chuyên dùng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm Mạng chuyên dùng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin… và phải báo cáo ngay Bộ Thông tin và Truyền thông để nhận chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố đối với mạng đường trục hoặc các sự cố cần tổ chức ứng cứu thông tin.
Ngoài đơn vị chịu trách nhiệm điều hành hoạt động, vận hành và duy trì Mạng chuyên dùng, việc đảm bảo hoạt động của mạng cũng được quy định cho chính các đơn vị sử dụng mạng chuyên dùng.
Các đơn vị sử dụng phải quản lý, khai thác và bảo vệ thiết bị mạng của điểm kết nối đặt tại cơ quan mình theo hợp đồng với VNPT; chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin truyền đưa trên mạng chuyên dùng theo đúng quy định pháp luật; không được thay đổi kết nối, thông số thiết lập mạng của các thiết bị liên quan… Đặc biệt, phải đăng ký sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số với Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Nội vụ) để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin trên Mạng chuyên dùng.
Được biết, thời gian qua, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được VNPT triển khai kết nối từ Chính phủ tới cấp Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tính tới thời điểm này, giai đoạn 2 của dự án mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước kết nối tốc độ cao đến cấp quận/huyện trên cả nước đã hoàn tất.
Giai đoạn 2 của dự án mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối đến tất cả các cơ quan cấp UBND quận/huyện, sở, ban, ngành tại 63 tỉnh/thành với tổng số hơn 3.500 điểm đã hoàn tất. Các kết nối giữa các điểm trong Mạng chuyên dùng dựa trên 2 phương thức cáp quang kết nối trực tiếp hoặc cáp đồng dựa trên công nghệ SHDSL đảm bảo cung cấp các dịch vụ tốt, chất lượng cao. Trước đó, giai đoạn một của dự án kết nối đến các cấp tỉnh/thành đã hoàn tất từ năm 2008.
Mạng chuyên dùng đã và đang cung cấp dịch vụ truyền hình hội nghị phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trực tuyến từ Trung ương, Chính phủ đến 63/63 tỉnh, thành. Tất cả các phiên họp thường kỳ của Thủ tướng Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành đã được thực hiện qua truyền hình hội nghị trên Mạng chuyên dùng, được Thủ tướng đánh giá cao.