Tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đồng tình với việc sửa đổi Luật Lưu trữ năm 2011. Sau hơn 12 năm thực hiện đã có nhiều thay đổi, tạo nề nếp khoa học, hiệu quả. Hoạt động lưu trữ đã được quan tâm từ Trung ương, đến tỉnh và huyện. Bên cạnh những kết quả đạt được thì Luật Lưu trữ (2011) đã bộc lộ một số bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp, đặc biệt trong điều kiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay thì cần có sự đánh giá xem xét và bổ sung những quy định mới, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay. Do vậy việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết và phù hợp nhằm thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lưu trữ, đổi mới các hoạt động lưu trữ, quản lý và thực hiện nhiệm vụ lưu trữ được tốt hơn.
Bảo đảm thống nhất giữa các luật liên quan
Trực tiếp được tham gia quá trình thẩm tra của dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng: Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, các chính sách thể hiện trong dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của các Đoàn ĐBQH; các tài liệu chuẩn bị cho việc trình dự án Luật này đã được Chính phủ chuẩn bị chu đáo. Để bảo đảm tính phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu đề nghị rà soát kỹ các quy định của Luật để bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan như: Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009); Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và một số Luật khác như: Luật Kế toán, Luật Công chứng…
Về hoạt động lưu trữ tư tại Chương 6, đại biểu Ngọc dẫn chứng: thực tiễn trong giai đoạn hiện nay khi kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn, để huy động lưu trữ tư, các tổ chức, cá nhân cùng với Nhà nước thực hiện lưu trữ nhằm phát huy giá trị của các tài liệu trong phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật rà soát trong quy định bảo đảm khuyến khích lưu trữ tư; quản lý Nhà nước về lưu trữ tư không thể giống với lưu trữ công.
Theo Điều 45 về quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ, đại biểu Ngọc đề nghị bổ sung một số quy định theo hướng khuyến khích các tổ chức cá nhân trong bảo vệ quản lý, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư. Có thể hỗ trợ về tài chính đối với các đơn vị lưu trữ tư để tạo điều kiện cho các đơn vị phát huy được tính chủ động, nguồn tài liệu quý giá. Khuyến khích lưu trữ tư tham gia cùng với Nhà nước để thực hiện hoạt động lưu trữ, huy động được tối đa từ những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho việc lưu trữ các tài liệu quý giá qua các thời kỳ lịch sử được bảo đảm lưu giữ đầy đủ.
Có cơ chế đặc thù khuyến khích tối đa hoạt động lưu trữ
Bên cạnh đó, cần có quy định rõ hơn về thủ tục đăng ký, ký gửi, hiến tặng, mua bán tài liệu lưu trữ; có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức hiến tặng tài liệu lưu trữ cho Nhà nước. Chia sẻ mảnh đất Hòa Bình có Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam - nơi lưu trữ nhiều những tư liệu quý về khoa học, các công trình nghiên cứu và các mảng khoa học, kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, điều này cho thấy việc lưu trữ tại đây rất bài bản, quy mô.
“Hiện nay, ở các nước việc lưu trữ tư đã được quan tâm, Nhà nước có cơ chế, hành lang pháp lý đặc thù để khuyến khích tối đa hoạt động lưu trữ tư. Bởi nếu quy định quá cứng trong quá trình phối hợp với Nhà nước sẽ gây ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả, giá trị của lưu trữ tư. Do vậy, mong rằng dự thảo Luật sẽ quan tâm để Nhà nước cùng với các tổ chức xã hội thực hiện xã hội hóa, giúp việc lưu trữ đạt được chất lượng, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của tài liệu lưu trữ”, đại biểu Ngọc chia sẻ.
Liên quan đến Điều 47 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư, theo đại biểu Đặng Bích Ngọc: để phát huy hiệu quả giá trị lưu trữ tư, khuyến khích lưu trữ tư phát huy các tài liệu lưu trữ, khuyến khích tổ chức cá nhân có điều kiện thực hiện lưu trữ tư, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý. Đồng thời, có quy định bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ thông qua việc khai thác, sử dụng các tài liệu lưu trữ tư và nên quy định Nhà nước được ưu tiên được mua lại tài sản có giá trị đặc biệt, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.
Cân nhắc lại thời gian cấp chứng chỉ hành nghề
Về chứng chỉ hành nghề lưu trữ quy định tại Điều 57 của dự thảo Luật, ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ để tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, cần xem xét, rà soát các điều kiện cấp chứng chỉ. Nếu là lưu trữ tư thì rất khó trong bảo đảm tiêu chuẩn tiêu chí đưa ra. Trong đó, có quy định phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, đề nghị cân nhắc xem lại thời gian quy định nội dung này nhằm tạo điều kiện cho những người thực hiện công tác lưu trữ.
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, trước đây trong nhận thức của người dân vẫn coi lưu trữ là chỉ để cất, bảo quản, nhiều nơi các tài liệu lưu trữ chưa phát huy được hiệu quả, giá trị của tài liệu, chưa được đưa ra tuyên truyền để nhiều người tiếp cận tài liệu lưu trữ này. Thời gian qua, ở các tỉnh, Trung ương, các trung tâm lưu trữ quốc gia đã tạo điều kiện cho người dân đọc, tra cứu… Vì vậy với mong muốn mọi người đều có thể tiếp cận tài liệu lưu trữ, trong quy định cần mở rộng hơn các hình thức tiếp cận, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với nguồn tài liệu quý.
Đại biểu Ngọc cũng đồng tình với việc quy định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ tại Điều 9. Tuy nhiên, hiện công tác lưu trữ ở cấp xã, phường thị trấn còn gặp nhiều khó khăn do cán bộ có kiến thức lưu trữ chưa bảo đảm; hệ thống kho bảo quản gần như không có;… Thời gian tới, khi thực hiện Luật Lưu trữ (sửa đổi), nhất là việc quy định UBND xã phường, thị trấn có thẩm quyền lưu trữ các tài liệu thì Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí giúp cho hoạt động lưu trữ được thực hiện tốt hơn.