Qua 5 năm thực hiện Đề án, diện mạo ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã có nhiều khởi sắc, phát triển tốt một số lĩnh vực thế mạnh. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt khoảng 4,1%/năm, chiếm gần 20% cơ cấu kinh tế của tỉnh; 46% số xã đã về đích nông thôn mới (sau sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đến cuối năm 2020 có 44,3% số xã đạt 19 tiêu chí); độ che phủ rừng đạt trên 51%. Nông thôn ngày càng khang trang; môi trường sống được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện.
Mục tiêu, các chỉ tiêu đến năm 2020 của Đề án cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra. Theo Bộ tiêu chí giám sát thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có 8/14 chỉ tiêu vượt, 1/14 chỉ tiêu đạt so với mục tiêu khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là tăng trưởng ngành ở mức cao, sản phẩm chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao; cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị canh tác tăng.
Tuy nhiên, tỷ trọng ngành trồng trọt vẫn cao trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành thủy sản, chăn nuôi tăng khá song giá trị còn thấp và thiếu bền vững. Sản lượng nông sản lợi thế, giá trị kinh tế cao chưa nhiều. Phát triển sản xuất tập trung chưa đồng đều giữa các vùng; quy mô sản xuất nhỏ và phân tán. Năng lực cạnh tranh nông sản của tỉnh còn thấp. Còn 4/14 chỉ tiêu giám sát chưa đạt so với khu vực miền núi phía Bắc, gồm tốc độ tăng thu nhập từ rừng sản xuất, tỷ lệ diện tích rừng quản lý bền vững, tỷ lệ diện tích cây trồng được tưới tiết kiệm, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác liên kết; 1/14 chỉ tiêu là tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm thủy sản chưa đánh giá được.
Nhằm phát huy các kết quả đã đạt được của ngành nông nghiệp trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1014 ngày 19/5/2021 Phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025. Đề án đặt mục tiêu: Phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 51,5% trở lên. Tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của dân cư nông thôn là 95%. Trong đó phấn đấu 60% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Có trên 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng.
Đến năm 2025 thực hiện đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh thực hiện có chiều sâu và thực chất hơn chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch. Quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông, lâm sản có lợi thế so sánh. Phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tỉnh thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; thực hiện phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, mối quan hệ nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tổng thể kinh tế, văn hóa, xã hội. Tổng kết thực tiễn và lựa chọn giải pháp phát triển tại địa phương. Khuyến khích tập trung đất đai nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thực hiện hiệu quả các chính sách, huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển sản xuất thành quy mô trang trại, hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất gắn với thị trường.../.