DetailController

Tin từ các đơn vị

Chú trọng phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh

07/10/2019 00:00
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình đã tập trung đầu tư, khôi phục và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo việc làm, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu, khu du lịch Bản Lác (huyện Mai Châu) tạo ra những sản phẩm độc đáo góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc

Hiện nay, toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 7 làng nghề truyền thống, 4 làng nghề; tăng 9 làng nghề, làng nghề truyền thống so với trước khi ban hành Nghị quyết. Sau khi được UBND tỉnh công nhận, mỗi làng nghề được hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng để duy trì, bảo tồn và phát triển, đến nay đã có 8 làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ, với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Tỉnh đã hỗ trợ 09 làng nghề, làng nghề truyền thống về cải tiến máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ  tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý môi trường, với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng; tham gia trong các làng nghề, làng nghề truyền thống có 804 hộ làm nghề và hơn 1.100 lao động tham gia nghề. Trên cơ sở các nghề, làng nghề truyền thống sẵn có làm hạt nhân tạo nòng cốt cho việc tiếp tục mở rộng và phát triển nghề, làng nghề nông thôn trong thực hiện Nghị quyết, điển hình như: Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu, khu du lịch Bản Lác (huyện Mai Châu), Hợp tác xã Vọng Ngàn (huyện Tân Lạc), một số cơ sở sản xuất rượu cần thành phố Hòa Bình, sản phẩm mây tre đan xóm Gò Mé, gỗ lũa (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn),... Các cơ sở làng nghề phát triển đa dạng cả về số lượng và loại nghề; giá trị sản xuất dần tăng cao qua các năm ở các lĩnh vực như dệt thổ cẩm, chế tác đá cảnh, gỗ lũa,... từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các loại sản phẩm mới chất lượng cao. Song song với hỗ trợ làng nghề, công tác khuyến công được thực hiện cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn, giai đoạn 2014 - 2019, tổng kinh phí nhà nước dành cho hoạt động khuyến công là 6,25 tỷ đồng, với 37 đề án tập trung vào các lĩnh vực: Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, truyền nghề và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp; qua đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục và phát triển như: Dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần, sản xuất chổi chít,... trên địa bàn tỉnh hiện có 30 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn nói chung, đặc biệt là người tham gia lao động tại các cơ sở làng nghề được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, toàn tỉnh đã tổ chức truyền nghề, đào tạo nghề cho trên 1 nghìn lao động tham gia sản xuất tại các cơ sở, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, hàng năm đã tổ chức cho các cơ sở làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm do tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm để mở rộng thị trường, duy trì và củng cố các thị trường truyền thống; giúp đỡ các làng nghề trong việc hình thành kênh tiêu thụ dưới hình thức đặt hàng, thu mua, bao tiêu sản phẩm; xây dựng mạng lưới các đại lý, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 chuẩn hóa sản phẩm làng nghề theo tiêu chuẩn OCOP, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề đã được công nhận, nâng cao chất lượng lao động trong các nghề, làng nghề, đảm bảo môi trường trong cơ sở nghề, phần đấu có trên 5 nghìn lao động ngành nghề nông thôn được đào tạo; ít nhất 01 sản phầm làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP, 100% các cơ sở sản xuất tại các làng nghề được xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường./.