DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Chủ động ứng phó với dịch sốt phát ban

16/02/2011 00:00
Hiện nay, tại khu vực miền Bắc và Hà Nội, dịch sốt phát ban đã lây lan rộng trong cộng đồng. Số ca mắc không riêng ở trẻ em mà ở cả thanh niên, người lớn tuổi. Địa bàn tỉnh ta tuy chưa phát hiện trường hợp mắc, song nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn. Hệ thống y tế tỉnh đang triển khai các biện pháp tích cực chủ động ứng phó với dịch sốt phát ban.
Cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh.

 

Theo bác sĩ Quách Thiên Tường – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh: Bệnh sốt phát ban chủ yếu là Rubella, lây chủ yếu qua đường hô hấp. Thông thường, triệu chứng của bệnh nhẹ nên khó phát hiện, nhất là ở trẻ em. Triệu chứng chủ yếu như cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ, sưng hạch kéo dài trong 1- 2 ngày đến 1 tuần, tiếp đó xuất hiện nốt ban màu hồng, bắt đầu từ mặt và nhanh chóng lan xuống thân. Ban tồn tại từ 3 đến 5 ngày sẽ tự lặn đi. Giai đoạn vài ngày trước và trong lúc phát ban là thời gian dễ làm lây lan bệnh sang người khác. Về cơ bản, đây là sốt vi rút lành tính nhưng sẽ nguy hiểm nếu xảy ra biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, biểu hiện viêm não.
 
Để chủ động phòng - chống bệnh sốt phát ban, công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng đã được đẩy mạnh, nhất là tại các khu vực đông dân cư, địa bàn tiếp giáp với các tỉnh bùng phát dịch. Đặc biệt, đang là mùa lễ hội, lượng khách tham quan, du lịch, hành hương từ vùng dịch đến địa bàn tỉnh là rất lớn, nguy cơ lây lan dịch cao. Do đó, các huyện, thành phố chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, ngăn chặn bệnh dịch.
 
Ông Mai Đức Sỡi – Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Bệnh sốt phát ban chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm chủng: Vắc xin đang được sử dụng hiện nay là loại phối hợp ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella. Trẻ em cần được tiêm đủ 2 mũi lần lượt vào lúc 12 tháng tuổi và tiêm nhắc lại trong khoảng 4 – 6 tuổi.
 
Bên cạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, ngành Y tế tỉnh đang tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng - chống dịch sốt phát ban dạng sởi và một số bệnh dễ bùng phát vào mùa đông – xuân. Hệ thống Y tế dự phòng tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh tại cộng đồng; tình huống xảy dịch, huy động lực lượng trực dịch 24/24 giờ, tiến hành điều tra lấy mẫu xét nghiệm; Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng - chống dịch. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tổ chức cách ly và điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Công tác tập huấn, nâng cao năng lực điều trị bệnh cho đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện cũng được chú trọng.
Để phòng bệnh, bác sĩ Quách Thiên Tường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh khuyến cáo: Khi có biểu hiện sốt phát ban, người bệnh cần tránh tiếp xúc chỗ đông người, nếu phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang, hoặc nếu có điều kiện thì tốt nhất là cách ly một thời gian để phòng bệnh, đồng thời tránh lây lan cho người khác.