DetailController

Chăn nuôi

Chủ động phòng - chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

22/03/2017 00:00

Xuất hiện ổ dịch tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò, hiện tượng chó nghi dại cắn người và vật nuôi, các bệnh khác xảy ra lẻ tẻ trên đàn gia cầm… là những quan ngại, cảnh báo người chăn nuôi cần chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt, trong điều kiện thời tiết giao mùa như hiện nay.

Xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh tả cho đàn lợn.

  Theo phòng NN & PTNT huyện Cao Phong, vào thời điểm tháng 2, tại xóm Rớm và xóm Khánh, xã Yên Thượng đã có 1 con trâu và 4 con bò của hộ dân bị chết nghi do bệnh tụ huyết trùng. Các biện pháp chống dịch đã được triển khai như: cách ly, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho 100% trâu, bò của 2 xóm. Cho đến nay đã khống chế được dịch, không để lây lan diện rộng. Trước đó, cũng liên quan đến bệnh tụ huyết trùng, tại 2 xóm Tằm, Giằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã thiệt hại 13 con trâu.

Vấn đề phòng - chống bệnh dại gần đây cũng rất đáng lưu tâm. Kể từ sau Tết Nguyên đán đã có một vài trường hợp chó nghi dại cắn người. Cụ thể, tại huyện Lạc Sơn có 2 trường hợp bố - con bị chó cắn. Xã Yên Lập (Cao Phong) có 1 vụ chó cắn chủ nhà. Gần đây nhất vào ngày 22/2, ở xã Phúc Sạn (Mai Châu) xảy ra hiện tượng chó cắn gia súc. Đáng lo ngại, biểu hiện nghi dại của chó sau khi cắn người và vật nuôi khác là lăn ra chết. Các trường hợp người sau khi bị chó nghi dại cắn đã đi tiêm vắc xin kháng dại kịp thời. Tại các điểm xảy ra vụ việc chó nghi dại cắn người, gia súc, trạm thú y huyện đã phối hợp với UBND các xã tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh dại ở cộng đồng.

Ngành NN & PTNT lưu ý dịch bệnh gia súc, gia cầm thường song hành với chăn nuôi. Vì vậy muốn phát triển chăn nuôi, người dân phải thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh. ở vụ xuân - hè, dịch bệnh nguy hiểm đối với trâu, bò là tụ huyết trùng, lở mồm - long móng, với lợn là tả, tai xanh và với gia cầm là cúm, tả, niucatxton…   Để ngăn ngừa sự bùng phát các loại dịch bệnh, công tác tiêm phòng cần được đẩy mạnh. Đồng thời cần huy động nguồn lực từ các địa phương hỗ trợ công tác tiêm phòng. Từ đầu tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 4, đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Đối tượng tiêm phòng bao gồm 5 vật nuôi chủ lực là trâu, bò, lợn, gà, dê, chó. Các loại vắc xin tiêm phòng đối với trâu, bò là tụ huyết trùng, lở mồm - long móng; tai xanh, tụ dấu, lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở lợn; cúm, tụ huyết trùng ở gà; đậu, tụ huyết trùng ở dê và vắc xin dại trên đàn chó.

Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Tình hình dịch bệnh sau Tết Nguyên đán và trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: thời tiết, môi trường và tiêm phòng. Bên cạnh nỗ lực của các đơn vị chức năng trong kiểm soát dịch bệnh, sự chủ động của người chăn nuôi trong thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo vệ, phát triển chăn nuôi, hạn chế những rủi ro, thiệt hại về kinh tế hộ gia đình. Để đợt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng các loại đạt 80% tổng đàn, các địa phương cần hỗ trợ, phối hợp tốt trong tuyên truyền, thông báo lịch, thời gian tiêm phòng. Hộ chăn nuôi cần phối hợp tốt với cán bộ thú y đưa vật nuôi đến các điểm tiêm phòng dịch. Mặt khác, bà con chú ý đến vệ sinh môi trường chuồng trại cho đàn vật nuôi, khử trùng, tiêu độc thường xuyên và định kỳ để hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh. Khi vật nuôi có biểu hiện ốm bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, hộ chăn nuôi cần báo cho cơ quan chăn nuôi và thú y nơi gần nhất để kịp thời nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn, khống chế, hạn chế thiệt hại nếu xảy ra ổ dịch.