Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Chiều tối và đêm 13/7, ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm; trên địa bàn tỉnh từ 19h ngày 12/7 đến 15h ngày 13/7 đã có mưa vừa và mưa to cục bộ tại một số nơi như Kim Tiến, Kim Bôi 64,2mm, Miền Đồi, Lạc Sơn 60,6mm, Tiến Sơn, Lương Sơn 55,4mm, Xuân Phong, Cao Phong 35,4mm…
Thực hiện Công điện số 67/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, tránh để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc về người như tại tỉnh Hà Giang (sạt lở đất vào xe khách trên Quốc lộ 34 làm 08 người chết, 04 người bị thương) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động, phối hợp chặt chẽ, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ", khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ (nếu có); tiếp tục thực hiện Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 03/7/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến mưa lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về tình hình thời tiết tại địa phương, kịp thời hướng dẫn, thông tin đến chính quyền các xã, phường, thị trấn, người dân, khách du lịch để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kịp thời phát hiện, sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Các Sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ và các tình huống bất thường gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ". Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án ứng phó và khắc phục thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự và khắc phục hậu quả thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Chi cục Thủy lợi (ĐT: 02183852309 email: thuyloihb@gmail.com), trước 15h00 hàng ngày hoặc khi có tình huống đột xuất để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện./.