DetailController

Chăn nuôi

Chủ động triển khai tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường vụ Thu Đông năm 2023

06/09/2023 15:29
Ngày 5/9/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn số 2382/SNN-CNTY gửi UBND các huyện, thành phố về việc chủ động triển khai tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường vụ Thu Đông năm 2023.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm như bệnh: Viêm da nổi cục trâu bò, Lở mồm long móng, Dịch tả Châu Phi, Cúm gia cầm,… vào địa bàn và sự bùng phát các loại dịch bệnh động vật khác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường vụ Thu Đông năm 2023, cụ thể như sau:

Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm:

Đối tượng và loại vắc xin tiêm phòng:

Trâu bò: Tiêm vắc xin Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tụ huyết trùng.

Lợn: Tiêm vắc xin Dịch tả cổ điển, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Tai xanh, Lép tô.

Dê: Tiêm vắc xin Đậu dê, Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng dê.

Chó, mèo: Tiêm vắc xin Dại

Gia cầm: Tiêm vắc xin Cúm, Tụ huyết trùng, Newcastle,….

Diện tiêm: toàn bộ gia súc, gia cầm nuôi trong nhân dân (chú ý những vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao và nơi có tỷ lệ tiêm phòng vụ Xuân Hè vừa qua đạt tỷ lệ thấp); Đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại, chủ cơ sở chủ động tiêm phòng vắc xin cho động vật nuôi theo quy trình.

Tỷ lệ tiêm: thực hiện tiêm phòng phải đạt 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm và 80% trở lên so với tổng đàn đối với mỗi loại vắc xin.

Công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường: Đề nghị các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo nội dung Công văn số 2108/SNN-CNTY ngày 07/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật (từ ngày 15/8/2023 đến ngày 15/9/2023).

Về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Căn cứ vào tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại địa phương, chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn tham mưu việc mua, sử dụng vắc xin DTLCP để tổ chức phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở (ngày 24/7/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 4870/BNN-TY về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi). Lưu ý trong quá trình triển khai tiêm phòng vắc xin DTLCP, có thể các đàn lợn của địa phương đã nhiễm vi rút DTLCP thực địa (vi rút DTLCP đang tồn tại trong môi trường chăn nuôi) và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nên khi đàn lợn được tiêm vắc xin DTLCP, rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định.

Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty Cổ phần thuốc thú y trung ương NAVETCO và Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam trong việc triển khai sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất (hai Công ty sản xuất vắc xin DTLCP đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp phép lưu hành).

Kinh phí tổ chức tiêm phòng: Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động mua vắc xin: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục trâu bò, Tai Xanh, DTLCP và hỗ trợ kinh phí tiền công tiêm, các chi phí khác cần thiết để phục vụ cho công tác tiêm phòng vắc xin đạt hiệu quả.

Kinh phí tiêm phòng các loại vắc xin khác cho gia súc, gia cầm tùy thuộc vào điều kiện và khả năng tài chính của địa phương hỗ trợ hoặc do người chăn nuôi chi trả 100%.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai các nội dung nêu trên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng, cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở thực hiện hiệu quả công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu Đông năm 2023./.