“Người nhiễm vi rút cúm thông thường cũng có thể gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời” – Ông Mai Văn Sỡi, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cảnh báo.
Năm 2010, theo thống kê từ mạng lưới y tế thôn, bản, toàn tỉnh có 11.653 ca mắc cúm, riêng tháng 11 có 1.061 ca. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, nhất là giao mùa đông - xuân. Đáng chú ý trong 2 tháng (11 và 12/2010), tại xã Lâm Sơn (Lương Sơn) xuất hiện ổ dịch cúm B - một tuyp bệnh gây dịch lan rộng và dịch khu vực. Bên cạnh đó, bệnh còn xuất hiện rải rác ở hầu hết các huyện, thành phố. Được biết, đã từ rất lâu, tại tỉnh ta không bùng phát ổ dịch cúm B. Nếu có, lượng bệnh nhân mắc tại một số huyện, thành phố cũng chỉ lác đác.
Tại ổ dịch cúm B, ngay sau khi phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên đến khám ở trạm y tế xã, mỗi ngày đã có thêm hàng chục ca mắc mà đối tượng chủ yếu là học sinh các trường tiểu học, THCS. Để khoanh vùng ổ dịch, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp can thiệp như: tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát xử lý ổ dịch, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho người dân trong và quanh khu vực có ổ dịch để bà con có nhận thức đúng về bệnh, không hoang mang, hoảng sợ. Đoàn giám sát Trung tâm YTDP tỉnh cũng hướng dẫn cơ sở “cắt” nguồn lây bệnh bằng cách cho đóng cửa trường học trong 5 ngày để tránh tiếp xúc. Tổ chức lấy mẫu bệnh, hỗ trợ đủ cơ số thuốc giúp điều trị triệu chứng và tuyên truyền, tư vấn đến hộ gia đình có người mắc cúm B không để bệnh nhân sốt cao hoặc xảy ra biến chứng khác. Hiện nay, ổ dịch đã cơ bản được khống chế, ca mắc mới giảm rõ rệt. Bằng nỗ lực can thiệp của lực lượng cán bộ y tế tỉnh, địa phương, tại ổ dịch không có trường hợp bệnh nhân nặng phải đi điều trị tại bệnh viện tuyến huyện.
Ông Phan Văn Vũ, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm YTDP tỉnh) cho biết: Dù là cúm A/H1N1, H5N1, cúm B hay mọi loại cúm thông thường khác đều có triệu chứng lâm sàng tương tự nhau. Tuy nhiên, sự tiến triển bệnh của cúm B chậm hơn so với cúm A/H1N1. Biến chứng của bệnh cúm là gây viêm phổi nặng, nếu không được điều trị sẽ dễ dẫn đến tử vong. Thống kê của cả nước về các trường hợp tử vong do mắc cúm B và cúm thường năm 2010 không phải là ít.
Bệnh cúm do vi rút gây nên là bệnh thường gặp nhất ở người, chủ yếu lây qua đường hô hấp và đến nay vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay vẫn là điều trị theo triệu chứng, làm chậm lại sự phát triển của bệnh dần dẫn đến khỏi. Hiện, đang trong thời điểm bệnh cúm có điều kiện phát triển mạnh tại cộng đồng, là một trong những nguyên nhân thường xuyên phải nghỉ học, nghỉ làm. Người dân vì vậy cần đề phòng, không được chủ quan với bệnh này.
Cũng theo ông Mai Đức Sỡi, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh: gần như không có biện pháp nào phòng- chống hoàn toàn được mắc cúm. Có thể giảm bớt nguy cơ nhiễm virút cúm nếu người dân có thói quen rửa tay thường xuyên sau khi đi mua sắm, đi vệ sinh hoặc sau khi tham gia các hoạt động công cộng để phòng tránh sự lây truyền cúm; không hút thuốc lá; sử dụng các vật dụng dùng một lần như cốc uống nước, nhất là khi có người trong nhà bị cúm có thể bỏ đi sau khi dùng phòng lây truyền vi rút do dùng chung; giữ cho nhà sạch sẽ, thoáng mát; vứt bỏ các giấy vệ sinh sau khi sử dụng. Cuối cùng là duy trì nếp sống lành mạnh, ngủ đủ, dinh dưỡng tốt, tập thể dục đều đặn để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại các nhiễm khuẩn gây mắc cúm.