DetailController

Tin từ các đơn vị

Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19

10/04/2020 00:00
Sáng 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 4 nội dung bàn thảo hôm nay rất quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang gây hệ luỵ lớn với nền kinh tế toàn cầu. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế của nước ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tới tất cả các lĩnh vực; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm,... Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô... Những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta thời gian tới, mang tính sống còn đối với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ, gãy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Hội nghị cần đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể, trúng và đúng, chuẩn bị các giải pháp để nền kinh tế, doanh nghiệp hiện đang bị “nén như chiếc lò xo” có thể bật lên ngay sau dịch. Tinh thần của Chính phủ là tập trung làm ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì sẽ báo cáo ngay sau hội nghị này.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ. Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho nền kinh tế nếu biết tận dụng biến “nguy thành cơ”, do đó việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong Quý II/2020 sẽ có trên 250 nghìn lao động trong DN bị mất việc làm và 1,5 -2 triệu lao động bị ngừng việc. Trường hợp bùng phát mạnh hơn, ước tính trong Quý II sẽ có 400 nghìn lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Theo Bộ Tài Chính trước tác động của tình hình dịch COVID-19, Bộ đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, đề xuất thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, thí, lệ phí, tiền thuế đất với tổng mức khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ DN và người dân; Phối hợp tính toán để điều chỉnh giảm giá một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng như giá điện. Đối với các mặt hàng khác như: than, gas, xăng dầu hiện đang thực hiện theo cơ chế thị trường; Đảm bảo cân đối chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nghị quyết cũng nêu rõ: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động

Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn./.