Kế hoạch nhằm bảo tổ chức triển khai nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu theo yêu cầu của Quyết định số 858/QĐ-TTg. Đồng thời triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi.
Kế hoạch nêu rõ những mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu cơ giới hóa trong trồng trọt cây chủ lực đạt trên 70%; cơ giới hóa trong sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 60%; cơ giới hóa trong thủy sản đạt trên 90%. Đối với phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%; trên 50% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản quy mô doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên.
Để đạt được những mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện 6 giải pháp sau: Hoàn thiện về thể chế, chính sách; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động nguồn lực.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyệnvà thành phố tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch; chỉ đạo triển khai các chương trình, đề án, dự án để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch theo chức năng quản lý Nhà nước và thẩm quyền được giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả định kỳ. Chủ trì, phối hợp với địa phương, đơn vị rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách và văn bản quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
Các Hội đoàn thể và doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Tham gia đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản gắn với tổ chức lại sản xuất bảo đảm sản xuất có hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch này làm cơ sở đưa ra các giải pháp để thực hiện; lồng ghép nhiệm vụ vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để tổ chức thực hiện. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào các nhà máy chế biến, khu sơ chế và kho bảo quản nông sản trên địa bàn gắn với các vùng nguyên liệu tập trung áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh. Thực hiện quản lý, đề xuất điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đáp ứng được các nhiệm vụ phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Căn cứ vào Kế hoạch các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cụ thể hóa các nhiệm vụ. Lồng ghép nội dung vào kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tổ chức thực hiện./.