Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trên cơ sở tình hình kinh tế-xã hội, thực tiễn đời sống của nhân dân, tổng hợp, đề xuất chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản tập hợp kiến nghị của 54 đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước, phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri về kinh tế-xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm từ kỳ họp thứ 2 đến trước phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ tiêu chí về lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề cụ thể. Đó là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương và nhóm vấn đề thuộc nhóm lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính Phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, để lại ấn tượng và kỳ vọng của cử tri cả nước.
Hội nghị đã được nghe các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương gồm: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chịu trách nhiệm trả lời chính các lĩnh vực của ngành; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài Chính, NN&PTNT, GTVT, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.
Vấn đề điều hành giá xăng dầu nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tại phiên chất vấn sáng nay. Theo đó, đại biểu quan tâm những giải pháp Bộ Công Thương đưa ra là gì để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do đứt gãy nguồn cung tại một số quốc gia cung ứng lớn; bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã khiến biên độ xăng dầu tăng từ 40 - 60%. Ngoài ra, nguồn cung ứng xăng dầu trong nước gặp nhiều khó khăn do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (hằng tháng cung ứng 35% sản lượng trong nước) giảm công suất đột ngột, từ 100% xuống còn 55%.
Trước thực tế đó, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp có đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải nhập đủ sản lượng để bù đắp phần Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thiếu hụt. Đến giữa tháng 2, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ cung ứng đến hết tháng 3. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp cần tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu trong tháng 3 vượt mức bình thường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính đã thực hiện đúng các Nghị định của Chính phủ, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để điều hành linh hoạt và đưa ra mức hỗ trợ từ 500 - 1.500 đồng/lít xăng dầu; do vậy, giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 29 - 40%, dưới ngưỡng bình quân của thế giới (40 - 60%).
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo tiến hành thanh kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc. Theo đó, đã thanh kiểm tra tại 16.800 cửa hàng trên tổng số 17.000 cửa hàng, phát hiện có 211 cửa hàng vi phạm (đóng cửa do sự cố kỹ thuật, số khác chủ yếu nhập hàng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nên bị ảnh hưởng nguồn cung khi nhà máy này giảm công suất đột ngột).
Bộ Công Thương đã thanh kiểm tra 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Sau khi có kết quả thanh kiểm tra, đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý theo quy định, mức cao nhất là rút giấy phép và đình chỉ kinh doanh. Đồng thời, tiến hành thanh, kiểm tra với các doanh nghiệp phân phối và áp dụng chế tài xử lý nghiêm minh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền giám sát, xem xét để có phương án giải quyết khó khăn nội tại đối với việc điều hành xăng dầu trong nước như duy trì công suất thiết kế nâng sản lượng sản xuất, nâng mức dự trữ, dự phòng xăng dầu...
Đối với nhóm vấn đề về giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản; đại biểu băn khoăn về tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu khi xuất khẩu qua Trung Quốc.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, Bộ đã nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; cùng với Bộ Y tế ban hành các quy định bảo đảm phòng, chống dịch trong lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hoá; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải điều tiết, đảm bảo hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi tới Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt, ổn định lâu dài.
Ngoài ra, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa tuyệt đối an toàn; chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Bên cạnh đó, chủ động cập nhật thông tin để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu.
Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản để đa dạng hoá thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào số ít thị trường lớn, truyền thống.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nội dung chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực tài nguyên và môi trường./.