Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nguyễn Minh Thành, năm học 2012-2013, quy mô trường lớp học trên địa bàn tiếp tục được củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và xã hội. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch có hiệu quả. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học từng bước được nâng cao; điều chỉnh theo hướng giảm tải những chương trình giáo dục phổ thông, phương pháp dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng; đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chú trọng phụ đạo học sinh yếu kém, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; giáo dục dân tộc được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng. Trong giáo dục mầm non, năm học qua toàn tỉnh đã huy động được 57.563/87.643 trẻ mầm non đến trường, đạt tỷ lệ 65,7%, trong đó có 14.992/43.649 trẻ nhà trẻ đến trường, đạt tỷ lệ 34,3% (tăng 285 trẻ so với năm trước); 42.570 trẻ mẫu giáo đến trường đạt tỷ lệ 96,76%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,8%; 29/66 trẻ khuyết tật nhà trẻ được học hòa nhập; 123/147 trẻ khuyết tật mẫu giáo được học hòa nhập...Kết thúc năm học toàn tỉnh có 11.011/11.021 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,9%. Không những vậy, trong giáo dục trung học Ngành đã tăng cường giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, phân hóa theo năng lực học sinh trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông…Ngành đã tập trung ưu tiên giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Ngành đã chọn hai năm 2013-2014 là “năm giáo dục vùng khó khăn” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua một năm triển khai thực hiện kế hoạch “năm giáo dục vùng khó khăn” đã tạo nên một bước đột phá mới trong toàn ngành trong việc huy động các nguồn nhân lực cho các địa phương vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác tham mưu của Ngành với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn từng bước có hiệu quả. Chất lượng giáo dục đại trà vùng khó khăn có chuyển biến khá rõ nét; công tác phổ cập giáo dục từng bước được nâng cao và duy trì bền vững; cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường vùng khó khăn tiếp tục được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Các cuộc vận động và các phong trào thi đua tiếp tục được hưởng ứng mạnh mẽ với nhiều hoạt động phong phú và có hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội và nhà trường. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục vùng khó khăn từ các nguồn vốn, các chương trình, các dự án... Trong đó, huyện Lạc Sơn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường vùng khó khăn thông qua các chương trình, dự án với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng; huyện Yên Thủy đầu tư xây dựng 1 nhà hiệu bộ, 14 phòng học, 2 nhà vệ sinh, 1 công trình nước sạch cho các trường vùng khó khăn; huyện Cao Phong Dự án Childfund xây dựng nhà lớp học và công trình phụ trợ trị giá 2,1 tỷ đồng; ngân sách huyện đầu tư xây dựng nhà lớp học và các hạng mục phụ trợ cho các trường mầm non với tổng kinh phí 17,6 tỷ đồng; đang làm thủ tục đầu tư xây dựng cho 7 công trình với dự kiến kinh phí 34,4 tỷ đồng; mua sắm thiết bị cung cấp cho các trường mầm non 1,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác dạy và học trong năm qua cũng gặp những khó khăn do chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay, nhất là ở các xã vùng đặc biệt khó khăn do trình độ, nhận thức của học sinh còn hạn chế, đời sống kinh tế gặp nhiều vất vả; việc phân luồng học sinh THCS và giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả; hiệu quả công tác quản lý nhà trường của một số đơn vị, trường học còn chưa cao; chưa chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh yếu, kém; hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá ở một số giáo viên còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu diện tích đất...nên chưa đáp ứng được yều cầu về đổi mới giáo dục; còn nhiều trường chưa đảm bảo vệ sinh, thiếu nước sạch; việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm, toàn tỉnh chưa có trường mầm non nào đạt chuẩn mức độ 2...