DetailController

Quốc phòng - An ninh

Cao Phong dồn sức đối phó với dịch lở mồm long móng

21/01/2011 00:00
Từ đầu tháng 1 đến nay, thời tiết rét đậm rét hại khiến đàn trâu, bò tại nhiều địa phương trong tỉnh bị chết rét. Tại huyện Cao Phong, bên cạnh những lo lắng đàn gia súc chết do thời tiết người chăn nuôi ở đây cũng đang phải đối mặt với dịch LM-LM có nguy có bùng phát trở lại.
Người dân các xã tiến hành phun khử trùng tiêu độc phòng bệnh LM-LM.

 

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, hiện nay, toàn huyện đã có 225 con trâu, bò mắc bệnh LM-LM. Đã có 10 xóm ở 7 xã có dịch, trong đó, nhiều nhất là các xã Tây Phong 45 con mắc đã có 3 con nghé chết, Yên Thượng có 33 con mắc gồm 28 con bò, 5 con trâu. Đặc biệt, tại 2 xã Yên Thượng và Xuân Phong, bệnh LM-LM đã xuất hiện trên đàn lợn. 
 
Ông Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Trạm Thú y huyện Cao Phong cho biết: LM-LM là bệnh do một loại vi rút hướng thượng bì gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh thông qua vận chuyển phân bón gia súc, động vật bị bệnh và chăn thả chung đồng cỏ. Bệnh này càng dễ bùng phát trong thời tiết lạnh, khi sức đề kháng của trâu, bò yếu. Vì vậy, chính thói quen thả rông trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại là một trong những nguyên nhân phát bệnh. Trâu, bò mắc bệnh, người dân không biết vẫn chăn thả chung đồng cỏ khiến dịch bệnh nhanh chóng lây lan. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắcxin ở đây cũng đạt tỷ lệ thấp, chủ yếu là do tâm lý chủ quan của người dân. Anh Đinh Văn Thái, Trạm phó Trạm KNKL huyện Cao Phong cho biết: Đầu năm 2010, tại xã Xuân Phong cũng đã xảy ra dịch LM-LM, Huyện đã chỉ đạo Trạm thú y tiêm phòng vắcxin LM-LM cho 5.000 con gia súc trên tổng hơn 8.000 con. Tuy vậy, năm nay, hầu hết người dân không tiêm phòng vắc xin chống bệnh này.
 
Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan bùng phát trên diện rộng, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và Phòng NN&PTNT, Trạm Thú y huyện kiểm tra các địa bàn, xem xét các triệu chứng lâm sàng, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Ngoài ra, Trạm đã cử cán bộ xuống tận xóm, xã yêu cầu triển khai các biện pháp chống dịch, dập dịch. Cùng với tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các xã, xóm nhằm nâng cao ý thức cho người dân chủ động phòng - chống dịch, Trạm đã triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc các khu chăn nuôi, bãi chăn thả gia súc của các xã. Kiểm tra toàn bộ đàn gia súc, khoanh vùng gia súc nhiễm bệnh, đồng thời yêu cầu nuôi nhốt tại chuồng trại, không chăn thả để hạn chế lây lan dịch bệnh.
 
Thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, những ngày qua, chính quyền, người dân các xã vùng có bệnh đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng - chống dịch. Tại Tây Phong, một trong những xã có lượng trâu, bò mắc bệnh nhiều nhất trong huyện, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập chốt kiểm dịch động vật. Anh Lê Trung Tuyến, cán bộ thú y xã cho biết: Do số lượng đàn gia súc trên địa bàn tương đối lớn, giáp ranh với nhiều xã và có quốc lộ chạy qua nên ngay khi xuất hiện dịch, cùng với biện pháp rắc vôi bột khử trùng tiêu độc, tiêm vắc xin, xã đã thành lập chốt kiểm dịch liên ngành kiểm tra vận chuyển gia súc gia cầm 24/24h. Phun thuốc khử độc tất các các loại xe ô tô ra vào địa bàn.
 
Nhờ kịp thời phát hiện dịch sớm, khẩn trương triển khai các biện pháp tuyên truyền, đến nay, huyện Cao Phong đã tiêm vắc xin phòng dịch được 5.000 liều cho đàn gia súc, cách ly gia súc bị bệnh, khử trùng tiêu độc tại tất cả các khu chăn nuôi, bãi chăn thả, hướng dẫn người dân điều trị cho trâu, bò bằng các loại thuốc sát trùng. Đồng thời, thành lập 4 chốt kiểm dịch liên ngành để kiểm soát chặt chẽ vận chuyển trâu, bò trên địa bàn