Thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng Phòng CSHS chia sẻ: Qua theo dõi, nắm bắt, chúng tôi nhận thấy tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội có chiều hướng gia tăng, ngày càng có nhiều thủ đoạn mới, tinh vi khiến người dân dễ bị mắc lừa nếu không có ý thức đề cao cảnh giác. Thực tế đã có trường hợp người dân trên địa bàn tỉnh bị sập bẫy các đối tượng xấu và bị chiếm đoạt tài sản một cách đáng tiếc.
Điển hình là việc các đối tượng kết bạn, làm quen trên mạng xã hội (MXH) để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, nhiều đối tượng người nước ngoài sử dụng MXH như facebook, zalo... để kết bạn làm quen với người bị hại để tạo sự tin tưởng. Sau đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức thông báo gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị lớn qua đường hàng không; tiếp đó, đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế, yêu cầu người bị hại nộp tiền để nhận được quà qua các số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp cho người bị hại, sau đó đối tượng xóa tài khoản facebook, zalo và các số điện thoại đã sử dụng để liên lạc. Người bị hại không liên lạc được nữa, lúc này mới phát hiện bị lừa.
Ngoài ra, thủ đoạn phổ biến các đối tượng phạm tội hay sử dụng là giả danh cán bộ Công an, Viện KSND, Tòa án, cơ quan Nhà nước gọi điện cho bị hại thông báo về việc người bị hại liên quan đến các vụ án đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra sẽ bị khởi tố bị can làm người bị hại hoang mang, lo sợ, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (TKNH), chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng, sau khi bị hại chuyển tiền đối tượng cắt liên lạc. Với thủ đoạn này, nhiều người trên địa bàn tỉnh đã trở thành nạn nhân, bị chiếm đoạt số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Như trường hợp của ông Ng.Đ, trú tại phường Thái Bình (TP Hòa Bình) bị đối tượng tự xưng là cán bộ công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý lừa chuyển khoản 512 triệu đồng...
Ngoài thủ đoạn nêu trên, các đối tượng phạm tội còn lập tài khoản MXH (facebook, zalo...) hoặc chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản MXH của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản giả vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền vào TKNH của đối tượng, hoặc gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, kiểm tra. Kết hợp với mã OTP của ngân hàng lừa lấy được từ bị hại, sau đó kiểm soát tài khoản Internet Banking, chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Mới đây nhất, trên MXH rộ lên việc mời tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối, hoặc đầu tư đào tiền kỹ thuật số. Các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia như gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng bá, mời chào qua các zalo, facebook..., tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn, đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm. Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, khiến nhiều người dân tham gia dưới hình thức đầu tư bằng các loại tiền kỹ thuật số. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản.
Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như lập các hộp thư điện tử tương tự hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện giao dịch bằng thư điện tử, mạo danh đối tác để đề nghị các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào TKNH của đối tượng và chiếm đoạt; chuyển khoản nhầm tiền để lừa đảo ép vay nặng lãi; gọi điện giả danh cơ quan Cảnh sát giai thông thông báo vi phạm quy định về an toàn giao thông; lừa chuyển thông tin CMND/CCCD để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng Phòng CSHS, trước thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên KGM tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Phòng đã phát đi nhiều thông tin, cảnh báo hoạt động của loại tội phạm này, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, Công an tỉnh đã ban hành văn bản gửi Công an các địa phương khuyến cáo để người dân cùng nhận diện, tăng cường các biện pháp phòng, chống loại tội phạm này. Theo đó, Phòng CSHS khuyến cáo đến người dân tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không bấm xem những bài viết bị gắn thẻ chứa đường link độc hại; tuyệt đối không cung cấp thông tin về tài khoản MXH, thông tin cá nhân, thông tin TKNH, tài khoản email qua điện thoại, MXH và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận để đảm bảo an toàn. Đặt mật khẩu mạnh cho các tài khoản MXH, email (mật khẩu có trên 8 ký tự, chứa các ký tự đặc biệt, dùng cả chữ cái và chữ số, chữ hoa và chữ thường), bật phương thức xác thực mật khẩu 2 lớp khi đăng nhập. Trường hợp có người thân, bạn bè hỏi vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền qua MXH cần liên lạc ngay bằng cách gọi điện cho người đó để kiểm tra xác thực trước khi tiến hành giao dịch. Chia sẻ rộng rãi lên MXH cho mọi người biết về phương thức, thủ đoạn trên để mọi người cảnh giác, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phòng CSHS đề nghị người dân cảnh giác và thông báo ngay cho Công an địa phương nơi gần nhất khi gặp các trường hợp nêu trên.