Tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ, các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Đồng thời đánh giá, dự thảo luật đã thể chế hoá đầy đủ, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em hiện nay.
Về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc tán thành với quy định 4 loại hình phạt; việc mở rộng đối tượng áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt” vì phù hợp với chính sách xử lý nhân văn đối với người chưa thành niên trong các trường hợp này. Đồng thời, đại biểu cũng tán thành dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội nếu cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện nhằm bảo đảm sự công bằng trong quy định về hình phạt tiền với người lớn hiện nay.
Về quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng (Điều 156) đại biểu đề nghị, cần cân nhắc và tính toán đến các điều kiện như đất đai, xây dựng trụ sở, bố trí cơ sở vật chất ở các trại tạm giam để khi các quy định này được thực hiện sẽ bảo đảm được các điều kiện phát sinh theo sau.
Về rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội, đại biểu tán thành với ý kiến thứ nhất trong Tờ trình về việc cần rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có người chưa thành niên phạm tội không quá 1/2 thời hạn vụ án với người lớn phạm tội, trừ vụ án có tính chất phức tạp. Tuy nhiên, cần rút ngắn hơn nữa thời hạn điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm công ước quốc tế về quyền trẻ em “vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên” và hạn chế những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên do thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam quá dài như hiện nay.
Về tách vụ án hình sự, đại biểu cũng đồng tình với ý kiến thứ nhất trong Tờ trình là phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Lý giải về việc phải tách vụ án thì mới thực hiện được quy định của dự thảo luật về việc rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên bằng 1/2 thời hạn vụ án của người lớn, đại biểu Ngọc nhấn mạnh nếu không tách vụ án ra sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy để giải quyết theo yêu cầu và có tính nhân văn, thì trong vụ án có đối tượng vừa người lớn, vừa người chưa thành niên thì nên tách ra để trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ thuận lợi hơn.
Về bảo đảm nguồn lực để triển khai một số chính sách trong dự thảo Luật, để bảo đảm tính khả thi của chính sách khi luật được thông qua, đề nghị cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá tác động, cũng như xác định nguồn lực tài chính để bảo đảm thi hành một số chính sách mới trong dự thảo luật như: chế độ đối với một số nhân lực tham gia thực thi hoạt động tư pháp người chưa thành niên; kinh phí thực hiện một số giải pháp ngăn chặn…/.