DetailController

Quốc phòng - An ninh

Cần giải quyết dứt điểm tranh chấp đất giữa người dân và Lâm trường Tân Lạc

13/02/2014 00:00
Mặc dù tình trạng tranh chấp đất giữa Lâm trường Tân Lạc và người dân đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vụ việc này vẫn chưa được giải quyết triệt để nên đã kéo theo những phức tạp nảy sinh tại địa phương. Do vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

 Lâm trường Tân Lạc tỉnh Hòa Bình được thành lập theo quyết định số 29 QĐ/UBND ngày 31-10-1979 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình. Trong quá trình chuyển đổi và sắp xếp đổi mới cho phù hợp với tình hình phát triển, ngày 15-6-2004, Lâm trường Tân Lạc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình bàn giao về cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý (nay là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình). Sau khi được bàn giao, Lâm trường Tân Lạc có tên gọi là Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình-Lâm trường Tân Lạc. Tổng diện tích đất theo biên bản bàn giao ngày 15-6-2004 là 2.149,69 ha, trong đó diện tích lâm nghiệp là 2.111,3 ha, đất khác 38,39 ha.

Ngày 11-9-2013 UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 2103/QĐ/UBND về việc phê duyệt kết quả rà soát đất đai, diện tích giữ lại để sản xuất và giao trả cho địa phương quản lý 4 lâm trường là Tu Lý, Tân Lạc, Lạc Thủy và Lương Sơn. Theo đó, Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình-Lâm trường Tân Lạc trả lại cho địa phương là hơn 1.500 ha, còn giữ lại để sản xuất là 557 ha.

Theo ông Kim Danh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình-Lâm trường Tân Lạc. Trong năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của Lâm trường chủ yếu là thực hiện các công trình lâm sinh, trồng chăm sóc rừng nguyên liệu và thực hiện chương trình dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững của tỉnh Hòa Bình. Theo đó, năm 2013 các dự án trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng nguyên liệu của Lâm trường luôn đạt được kết quả tốt. Trong đó, trồng và chăm sóc rừng nguyên liệu năm 1 là 50 ha; chăm sóc rừng trồng nguyên liệu năm 2, năm 3 là hơn 20 ha; quản lý bảo vệ rừng trồng nguyên liệu năm 4, năm 6, năm 7, năm 8 là 87 ha; khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng tự nhiên 937 ha. Đối với thực hiện chương trình dự án bảo vệ rừng bền vững huyện Tân Lạc thì Lâm trường cũng đã thực hiện trồng rừng hỗ trợ sản xuất 335,4 ha; chăm sóc rừng trồng năm thứ 2 là 22,9 ha và năm thứ 3 là 55,1 ha; chăm sóc quản lý rừng tự nhiên năm thứ 4 là 705 ha; thu nhập của cán bộ, công nhân viên đạt 3,5 triệu đồng/người/năm...Từ kết quả trên đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Kim Danh Hà, do Lâm trường chỉ có sáu cán bộ, diện tích quản lý hơn 557 ha ở địa bàn nhiều xã thuộc huyện Tân Lạc nên dẫn đến tình trạng người dân địa phương lấn chiếm đất của Lâm trường để sản xuất. Thực tế cho thấy thì tình trạng lấn chiếm đất của Lâm trường Tân Lạc đang diễn ra khá gay gắt. Đến nay, trong số 557 ha đất, thì có 93 ha đất sản xuất đã bị người dân lấn chiếm. Trong đó, 12,13 ha thuộc địa giới hành chính xã Thanh Hối, 41,8 ha trên địa bàn xã Lỗ Sơn, 5,4 ha thuộc xã Tử Nê...Hầu hết những diện tích bị lấn chiếm từ năm 2008 khi Lâm trường thu hoạch sản phẩm và chưa kịp trồng lại thì người dân tự ý vào lấy đất để sản xuất. Ông Hà cũng cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp và lấn chiếm đất đai thuộc Lâm trường Tân Lạc quản lý sử dụng trên địa bàn các xã là do người dân thấy lợi ích trước mắt về thu nhập từ việc trồng rừng keo nguyên liệu (do dễ trồng, dễ tiêu thụ, thời gian ngắn từ 4-5 năm là cho thu nhập). Hệ thống văn bản pháp lý công nhận diện tích đất của Lâm trường Tân Lạc được giao trên địa bàn các xã đã lâu, việc kiểm tra, rà soát đất đai thời gian kéo dài.

Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc với người dân xóm Nhót xã Thanh Hối huyện Tân Lạc (Hòa Bình) thì được biết, diện tích đất mà người dân trong xóm lấy của Lâm trường là do Lâm trường sản xuất không hiệu quả. Trong khi đó, Lâm trường lại giao khoán đất sản xuất cho người ở xóm khác. Hơn nữa, diện tích đất mà người dân lấy lại là đất của xóm Nhót trước đây cho Lâm trường mượn nay lấy lại để sản xuất, tăng thu nhập. Cũng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, xóm Nhót có khoảng 150 hộ dân sinh sống, do là xóm miền núi, ngành nghề phụ ít, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng đất sản xuất lại ít. Vì vậy, khi thấy Lâm trường hoạt động không hiệu quả người dân nơi đây đã lấn chiếm đất để sản xuất nhằm tránh lãng phí đất cũng như tăng thu nhập cho gia đình.

Anh Bùi Văn Thắng xóm Nhót xã Thanh Hối huyện Tân Lạc cho biết, gia đình tôi có bốn người, ngành nghề phụ không có, diện tích đất nông nghiệp chỉ có 1.000 m2. Năm 2008, thấy đất của Lâm trường hoạt động sản xuất không hiệu quả nên xóm chúng tôi vào lấy để chia nhau sản xuất vừa đỡ lãng phí đất, vừa có thêm thu nhập từ việc trồng keo. Hiện nay, gia đình tôi lấy đất của Lâm trường Tân Lạc là 3.000 m2, qua thời gian sản xuất đã thu hoạch được một vụ keo, trừ chi phí cũng được lãi chút ít, đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình. Cũng như gia đình anh Thắng, gia đình chị Bùi Thị Ngư xóm Nhót xã Thanh Hối huyện Tân Lạc lấy của Lâm trường Tân Lạc 3.000 m2 đất rừng để sản xuất. Nhưng theo chị thì trước đây đó là đất của người xóm Nhót cho Lâm trường mượn. Chị Ngư chia sẻ “khi thấy Lâm trường sản xuất không hiệu quả người dân chúng tôi lấy lại. Từ khi có thêm đất sản xuất, kinh tế gia đình tôi cũng bớt đi khó khăn. Chứ nếu cả bốn người trong gia đình tôi chỉ trông trờ vào 1.000 m2 đất nông nghiệp thì bao giờ mới hết đói, hết nghèo. Trong khi Lâm trường có hàng trăm ha đất lại sản xuất không hiệu quả”.