Gia đình bà Lê Thị Hương, chủ nhà vườn Hương Đồng, khu 1, thị trấn Cao Phong là một trong những hộ kinh doanh cam lâu năm và có tiếng tại địa phương. Hiện, nhà vườn Hương Đồng đang cung cấp ra thị trường 13 loại cam truyền thống như: cam Mars, Đường Canh, Valencia, CS1 (lòng vàng), Xã Đoài,... Từ đầu vụ đến nay, gia đình bà đã tiêu thụ được hơn 8 tấn cam với giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đ/ kg. Bà Lê Thị Hương tâm sự: Vụ cam năm nay, nhiều khách ở xa gọi điện đặt hàng cũng ngạc nhiên bởi mức giá khá mềm. Tôi đã giải thích đó là cung - cầu thị trường và do ảnh hưởng của thời tiết. Tôi luôn cam kết cung cấp đến cho khách hàng của mình sản phẩm cam có mẫu mã đẹp nhất, chất lượng tươi ngon nhất và giá cả cạnh tranh nhất.
Khắc phục những khó khăn về sự rớt giá, gia đình chị Đào Thị Quỳnh Nga, chủ nhà vườn Thủy Nga, khu 3, thị trấn Cao Phong lại mở ra hướng đi mới trong kinh doanh từ phát triển du lịch sinh thái vườn cam. Gia đình chị hiện có hơn 10 ha trồng cam, trong đó có hơn 6 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Nhờ tuân thủ ngặt nghèo theo các tiêu chuẩn của VietGAP, cam của gia đình chị đạt được độ an toàn theo quy định. Nhà vườn được bài trí xanh, sạch, đẹp, khách đến thăm quan, thử nếm và mua cam ngay tại vườn. Đặc biệt, hiện, sản phẩm cam của gia đình chị có giá bán cao nhất trong toàn huyện, ở mức 30.000 đ/kg.
Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ trồng, kinh doanh cam, gia đình chị cũng gặp phải khó khăn khi tiêu thụ ở tỉnh ngoài. Chị Đào Thị Quỳnh Nga chia sẻ: Chúng tôi có đi một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc gặp rất nhiều cửa hàng kinh doanh ghi biển hiệu cam Cao Phong nhưng giá lại rất rẻ chỉ từ 10.000 - 15.000 đ/kg. Là người trồng và kinh doanh cam, tôi biết, đó không phải là cam Cao Phong vì cam Cao Phong được cắt tại vườn giá bán đã cao hơn mức giá đó rồi.
Trao đổi với đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, chúng tôi được biết: Đây là thực trạng đã diễn ra nhiều năm xong việc xử lý lại ngoài khả năng của huyện. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Sở Công thương tỉnh phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố khác cần quản lý chặt chẽ nguồn gốc của các sản phẩm được gắn mác cam Cao Phong để góp phần bảo vệ thương hiệu của địa phương. Hiện, bên cạnh những thị trường truyền thống, địa phương đang có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cam Cao Phong ra nhiều thị trường khác. Mới đây, trong buổi làm việc với Tập đoàn Vingroup, hai bên đã lên kế hoạch hợp tác tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương theo quy chuẩn VietGAP.
Theo thống kê, hiện, toàn huyện Cao Phong có 3.015,6 ha cây ăn quả có múi, trong đó, diện tích cây thời kỳ kiến thiết cơ bản đạt 1.671 ha, diện tích cây thời kỳ kinh doanh đạt 1.344,6 ha. Sản lượng cây ăn quả có múi niên vụ 2018 - 2019 của toàn huyện dự kiến đạt trên 36.000 tấn. Vượt qua những khó khăn về thị trường và những bất lợi về thời tiết, người trồng cam Cao Phong luôn duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng của loại nông sản đặc hữu này.